Cần sớm luật hóa việc mua bảo hiểm du lịch

Sau vụ chìm tau xảy ra tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), làm chết 12 ngươi, ngày 17/2, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – Hà Nội) về vấn đề bảo hiểm du lịch cho khách du lịch.

 

LS Phan Thanh Bình cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện bảo hiểm du lịch (BHDL) ở nước ta vẫn còn rất hạn chế. Đa số khách du lịch đều chưa quan tâm đến việc này vì sẽ phát sinh một khoản chi phí để mua.

Mức bảo hiểm (BH) cơ bản mà hầu như các công ty du lịch mua cho khách nội địa – nếu có – cũng chỉ nằm trong khoảng 10 triệu đồng/người/vụ; khách đi tour du lịch nước ngoài khoảng 10.000 USD/người/vụ. Đa số những tour trong nước, mức BH mà các công ty phải đóng là 1.500 đồng/ngày/người/vụ.

Nếu tăng mức BHDL hoặc buộc khách phải mua BH thì giá tour sẽ phải “đội” lên. Điều này làm các công ty du lịch không muốn tăng (hoặc mua) BHDL. Mặt khác, BHDL ở nước ta mới chỉ được quy định tại Luật Du lịch năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.

Khoản 4 Điều 35 Luật Du lịch quy định: “Được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật” là một trong những quyền lợi của khách du lịch. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Luật Du lịch và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 1/6/2007 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch thì BHDL lại không bắt buộc đối với tất cả du khách.

Vẫn biết việc không bắt buộc mua BHDL nhằm để thu hút khách du lịch nhưng cũng chính điều này đã khiến cho việc áp dụng các chế tài trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố rất khó khăn.

Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định xử phạt chính đối với tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế không mua BH cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, theo đó: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: …c) Không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch” (khoản 5 Điều 8 Nghị định 149/2007/NĐ-CP ngày 9/10/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch). Còn đối với những trường hợp không có BHDL khi có xảy ra sự cố, việc quy kết trách nhiệm và xử lý là rất khó khăn do không có quy định cụ thể.

Tóm lại, việc mua BHDL hiện không phải là quy định bắt buộc, tuy nhiên qua sự cố vừa xảy ra ở Quảng Ninh mới có thể thấy hết tầm quan trọng và sự cần thiết của loại hình BH này. Đã đến lúc nhà làm luật và cả khách du lịch cùng cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Cần sớm “luật hóa” việc mua BHDL, khi đó những thiệt hại, mất mát xảy ra trong khi đi du lịch mới được bù đắp một cách thỏa đáng, tạo nên sự yên tâm cho khách sử dụng dịch vụ du lịch của các hãng lữ hành”