Côn Đảo – Dòng lịch sử bi tráng

Côn Đảo – thiên đường du lịch, thế nhưng đến với Côn Đảo, sẽ không mấy ai thực sự có một kỳ nghỉ thỏa thích. Đó là sự thật…

Đến đây, sau khi tham quan những gì còn lưu giữ lại của một nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, mỗi người không khỏi thắt lòng khi nhận ra cái giá phải trả cho cuộc sống thanh bình hôm nay là quá đỗi lớn lao. Và phía sau những chứng tích im lìm là cả một dòng lịch sử bi tráng của một dân tộc không cam chịu mất nước, không cam chịu nô lệ.       
Với nhiều du khách, Côn Đảo đã từng được biết đến qua sách vở, phim ảnh, qua lời kể của nhân chứng. Tuy nhiên, phải đến khi đặt chân đến đây, tận mắt chứng kiến những hiện vật còn lưu giữ, anh Lê Duy Phàn mới cảm nhận một cách rõ ràng hơn thế nào là nhà tù Côn Đảo.
Thắp nén nhang lên tấm bia di tích mang tên Cầu tàu 914 – nơi có đến 914 người đã bị vùi thân trong những năm đội đá xây cầu. Anh Phàn không hiểu tại sao chỉ vài chục mét nhô ra bên bờ biển, thế mà non ngàn người đã bỏ mạng.
Anh Lê Duy Phàn, Du khách TP.Đà Nẵng cho biết: “Mình là thế hệ sinh sau năm 1975, rất cảm động trước cảnh cha ông bị tù đày, tra tấn. Trong chuyến đi này, cá nhân mình phải hiểu rằng, những khó khăn trong hiện tại bây giờ không là gì cả. Sau đó, sẽ giáo dục cho con cái biết tiếp thu lịch sử, truyền thống”.
Ngoài lục tuần, hai người bạn già ở Hậu Giang mới thực hiện mong muốn của mình là ra Côn Đảo. Chẳng phải họ đến để hưởng một kỳ nghỉ, mà chính là tìm về một địa danh đã trở thành huyền thoại, nơi những chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước đã bị lưu đày và hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Võ Bá Tòng, Du khách đến từ Hậu Giang: “Mình thấy Pháp, rồi Mỹ đày đọa dân mình quá tàn nhẫn. Mình quá bồi hồi, xúc động…”.
Tháng 7, trời Côn Đảo trong xanh và cao vọi như tấm lòng của những người con kiên trung, bất khuất. Những khóm hoa bừng nở bên chân mộ chí như hiển linh cho vẻ đẹp của những tâm hồn cao thượng xả thân vì đại nghĩa…
Theo chân đoàn cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam về viếng nghĩa trang Hàng Dương, nhóm phóng viên chợt nhận ra rằng, đất nước hòa bình đã gần 40 năm, hôm nay mới được đến đây có phải là quá trễ?
Trên cầu cảng 914, trong rì rầm sóng biển, một người đàn ông đang nói câu gì đó với cậu con trai 2 tuổi… Tuổi lên hai làm sao có thể hiểu lịch sử là gì, nhưng từ trong sâu thẳm mỗi người con đất Việt, bài học lịch sử vẫn không bao giờ là quá sớm.