Ðể sản phẩm lưu niệm hấp dẫn khách du lịch

Trong khu vực phố cổ Hà Nội, có nhiều cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch. Tuy nhiên, để tìm được món đồ đẹp, mang những đặc trưng văn hóa Hà Nội lại rất khó. Ðiều này phần nào lý giải tại sao khách du lịch đến nước ta chi tiêu rất ít. Trong khi đó, nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của Thủ đô thì gặp khó khăn vì sản phẩm không có “đầu ra”.

Phố cổ là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến thăm Hà Nội. Ðây cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Các sản phẩm của các làng nghề truyền thống hiện diện khắp các con phố, đặc biệt là khu vực có nhiều khách sạn dành cho  người nước ngoài như Ðào Duy Từ, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống… Tại đây, phổ biến nhất là đồ sơn mài, sản phẩm mây tre đan,  hàng gốm sứ, hàng thêu ren… Tuy nhiên, để chọn ra một sản phẩm nào đó thật đặc sắc, đặc trưng văn hóa Việt Nam tại Hà Nội thật không dễ dàng.

Trên thực tế, khách du lịch ai cũng thích mua sắm một vài sản phẩm lưu niệm để ghi dấu chuyến đi. Du khách nước ngoài cũng khá thích thú với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều du khách khi đến các cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội chỉ để ngắm là chính. Các đồ lưu niệm dành cho du khách trên thị trường Hà Nội có thể chia làm hai loại: đồ sử dụng và đồ trưng bày. Ở nhóm thứ nhất, nhóm đồ để sử dụng thì chất lượng, kiểu dáng là điều đáng bàn. Các loại túi thêu, áo lụa tơ tằm là một thí dụ điển hình. Bà Gien-ni-phơ, một du khách Mỹ cho biết: ‘Tôi rất thích các sản phẩm tơ lụa, nhưng kiểu dáng nghèo nàn. So với một vài năm trước, các mặt hàng chẳng có gì mới’. Chưa kể  những thứ đồ thủ công đó không bền, chỉ cần sau vài lần sử dụng là ‘xuống mã’ hẳn vì bị phai mầu, xộc xệch. Những chiếc áo phông có hình cờ Việt Nam, hay dòng chữ ‘Tôi yêu phở’… có chất lượng rất thấp. Còn đối với sản phẩm mỹ nghệ dùng để trưng bày, du khách có thể không tiếc tiền để mua những sản phẩm đẹp. Song nhiều mặt hàng cũng khiến người ta phải thất vọng. Khách Nhật Bản thường chuộng đồ sơn mài. Tuy nhiên, đồ sơn mài hiện nay chủ yếu dùng… sơn Nhật Bản, vì thế nhiều khách Nhật Bản từ chối những mặt hàng như vậy.

Anh Bùi Thanh Hải, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hạ Long (số 48 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: ‘Hầu hết du khách nước ngoài đều thích mua những mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng. Nhưng thị hiếu du khách mỗi nước lại khác nhau. Tuy nhiên, do chưa nắm vững nhu cầu, thị hiếu của từng nhóm khách hàng, cho nên chưa có sản phẩm phù hợp,  khiến họ đã xem là phải ‘móc hầu bao’ mua ngay’. Gần mười năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, anh Hải cho rằng, khi đi du lịch, nhu cầu đối với sản phẩm mỹ nghệ du lịch khác với sản phẩm mỹ nghệ thông thường. Một mặt hàng có tính biểu tượng cho văn hóa Việt Nam là những bức tượng gỗ cô gái đội nón lá mặc áo dài được bày khá nhiều ở các cửa hàng lưu niệm, nhưng bán không được bao nhiêu. Nguyên nhân không phải vì du khách không thích, mà bởi chúng khá… cồng kềnh. Tương tự như thế là những quân rối nước, rất bắt mắt, rất đặc trưng cho văn hóa Việt Nam, nhưng du khách chủ yếu dừng lại để… chụp ảnh. Người sản xuất đã không tính đến yếu tố khi đi du lịch dài ngày, du khách phải đem đồ dùng của bản thân họ, nếu phải mang  thêm các đồ lưu niệm cồng kềnh, dễ vỡ thì rất bất tiện. Như thế, để họ chọn một vài món đồ đã khó, chưa nói đến việc họ mua một số món đồ về làm quà tặng cho bạn bè. Trong buổi lễ công bố chương trình kích cầu du lịch năm 2010, Vụ trưởng  Lữ hành (Tổng cục Du lịch)  Vũ Thế Bình, đưa ra con số đáng buồn về chi tiêu dành cho mua sắm của khách quốc tế: Trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ dành khoảng từ 10 đến 15% chi phí cho mua sắm. Con số này ở Thái-lan dao động từ 50-55%. Bên cạnh đó, chi tiêu bình quân của mỗi du khách quốc tế khi đến Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ sự thiếu hấp dẫn của các sản phẩm lưu niệm.

Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Sản phẩm của một số làng nghề được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng cũng có những làng nghề đang mai một dần vì đầu ra hạn hẹp. Làng Thụy Ứng chuyên làm đồ mỹ nghệ từ xương sừng, làng thêu Quất Ðộng… đều đang gặp khó khăn. Hầu hết các nghệ nhân đều phải tự xoay xở đầu ra. Họ không có nhiều dịp được tiếp cận với du khách nước ngoài, nên vẫn làm và bán cái mà mình có. Trong khi đó, có thể chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ là sản phẩm vẫn giữ được nét truyền thống mà lại hợp thị hiếu khách hàng. Năm 2010, thành phố đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiều nghệ nhân các làng nghề Hà Nội với những sản phẩm lưu niệm đẹp, chất lượng tốt, mang biểu trưng văn hóa Thủ đô. Nhưng từ sau cuộc thi đó đến nay, sản phẩm lưu niệm trên thị trường Hà Nội vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản. Không sớm nâng chất lượng các mặt hàng này, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội thúc đẩy quảng bá du lịch cũng như xuất khẩu hàng tại chỗ.