Đổi mới quản lý dịch vụ tại khu du lịch chùa Bái Đính

Ngay từ mồng 1 Tết Tân Mão cho đến gần hết tháng Giêng âm lịch, mỗi ngày khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình) đón khoảng 30 đến 50 nghìn người tới tham quan, du lịch. Thậm chí, theo những người trong Ban điều hành lễ hội, thông qua số phương tiện của du khách gửi tại các bãi trông xe, hôm cao điểm có tới hàng trăm nghìn lượt người đến Bái Đính.

Vậy mà năm nay đường vào Bái Đính không bị tắc hàng chục cây số như những năm trước và an ninh – trật tự được bảo đảm.

Chúng tôi đến Bái Đính vào những ngày cuối tháng Giêng, song lượng người đến Bái Đính không hề giảm so với hồi đầu tháng. Du khách và người hành hương đổ về chật kín cả khu vực sân trước tháp chuông rộng hàng mấy chục ha. Tuy lượng khách đông là vậy nhưng đến nay, tại khu vực chùa Bái Đính không xảy ra chuyện chụp giật, tranh giành khách như ở một số nơi. Khách đi theo đoàn, trật tự xếp thành hàng dài qua hành lang La Hán để lên chùa. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh, kiêm Trưởng ban điều hành dịch vụ Phạm Văn Hà cho biết: ‘Xã chúng tôi có khoảng gần hai nghìn người tham gia vào 11 dịch vụ tại khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính. Trong đó có 110 người ở tổ trông xe máy, gần 300 người làm dịch vụ chụp ảnh, 500 người làm dịch vụ xe ôm, gần 300 người bán hàng, chưa kể hàng trăm người làm dịch vụ cung ứng vòng ngoài’.

Năm nay là lần đầu tỉnh Ninh Bình có cơ chế quản lý phối hợp ở bốn cấp: Công an tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn, UBND xã Gia Sinh và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị đang xây dựng công trình chùa Bái Đính. Ngay từ đầu tháng 1-2011, UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Công an tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn chủ trì, cùng với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thống nhất quản lý các dịch vụ trong khu vực chùa Bái Đính. Ngày 18-1-2011, sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Gia Viễn tổ chức giao nhiệm vụ cho các ban, ngành đoàn thể ở địa phương cùng tham gia.

Xã đã thành lập Ban quản lý điều hành với 23 người. Trong đó đại diện của xã, doanh nghiệp, UBND huyện và các xóm trưởng, Bí thư chi bộ thôn của xã Gia Sinh. Ban điều hành làm tất cả công việc: từ xây dựng nội quy, quy chế, kế hoạch đồng thời phân bổ lao động theo loại hình dịch vụ. UBND huyện Gia Viễn chỉ đạo, việc bố trí lực lượng làm dịch vụ phải ưu tiên những hộ bị thu hồi từ 50% đến 100% ruộng để xây dựng khu du lịch. Những gia đình này được hưởng một định suất bán hàng ở vị trí cố định. Toàn xã có 275 trường hợp đủ tiêu chuẩn để mỗi hộ được một định suất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên những hộ bị di dời cả nhà ở – được bố trí địa điểm đẹp trong khu vực bán hàng. Nhưng chỉ được tham gia một loại hình dịch vụ, chẳng hạn hộ chụp ảnh thì không bán hàng và ngược lại. Thống nhất về quản lý loại hình dịch vụ, xã tổ chức thành lập đội tự quản rồi đưa ra các quy chế khi hoạt động mỗi thành viên đều phải đeo thẻ để dễ kiểm soát. Nếu ai không thực hiện sau ba lần nhắc nhở sẽ đình chỉ dịch vụ. Đối với loại hình dịch vụ trông xe máy với biên chế 110 người ở 11 xóm, ban điều hành trả lương 50 nghìn đồng/ngày. Người nào hoạt động đủ 30 ngày thì thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc trông xe còn nhiều phức tạp vì những người không có khả năng làm dịch vụ khác mới biên chế vào tổ trông xe máy. Tiền trông xe theo giá vé được phát hành của Cục Thuế tỉnh. Tổ trông xe được hưởng 40% giá vé, còn lại Ban quản lý điều hành thu 60%, trong đó bao gồm tiền mua quyển vé, thuế, số tiền còn lại giao trực tiếp cho các xóm gây quỹ phúc lợi địa phương.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi đi trong hành lang La Hán là mặc dù lượng khách quá đông song hành lang rất sạch sẽ. Từ tháp chuông lên điện Tam Thế, đều không thấy vương rác bẩn. Trưởng Công an xã Gia Sinh và là thành viên trong Ban điều hành dịch vụ ở chùa Bái Đính Trần Quốc Quý cho biết: ‘Đội vệ sinh hiện có 23 người được chia thành những khu vực khác nhau. Họ phải làm việc cật lực, thấy rác thải vương vãi trong khu vực quản lý là thu gom ngay. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm một khu vực. Riêng bãi đỗ xe, do nền chưa lát gạch nên chỉ cuối ngày khi khách ra về mới tổ chức thu dọn. Ngoài ra, các dịch vụ xe ôm, chụp ảnh, bán hàng nhìn chung năm nay đều được quản lý khá chặt. Riêng dịch vụ xe ôm được coi là ‘nhạy cảm’ nhất vì thường gây mất trật tự khi tranh giành khách, tuy nhiên từ đầu năm đến nay do thành lập các đội tự quản, nên an ninh – trật tự tốt. Tại bến đỗ xe ôm không xảy ra tình trạng chèo kéo khách, hoặc mất trật tự an ninh’.

Điều khiến du khách đến Bái Đính năm nay ngạc nhiên là không thấy hoặc rất ít gặp các đối tượng lang thang xin ăn như thường thấy ở các khu vực lễ hội. Theo cán bộ xã Gia Sinh, hồi đầu năm người xin ăn đến Bái Đính khá đông, thậm chí đã hình thành cả các nhóm có tổ chức, gây nên những hình ảnh phản cảm, nhếch nhác tại khu du lịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Lê Xuân Minh cho biết: UBND huyện và Công an tỉnh đã phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chính quyền xã Gia Sinh tiến hành thu gom, đưa họ về Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh. Nhưng phải thường xuyên kiểm tra và xử lý quyết liệt, bởi nếu không tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn. Trong số cơ quan tham gia tích cực vào gìn giữ an ninh, trật tự của Bái Đính phải kể tới lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh việc xử lý tình trạng xin ăn, theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình Đinh Quang Vinh, lực lượng Công an tỉnh còn cùng địa phương và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lập phương án phân luồng xe ra, vào từ quốc lộ 1A rẽ vào chùa Bái Đính; bố trí lực lượng cảnh sát giao thông và an ninh trật tự hỗ trợ lực lượng của xã Gia Sinh giữ gìn trật tự tại khu vực chùa. Công an tỉnh Ninh Bình còn tham mưu với chính quyền địa phương sắp xếp dịch vụ tại các khu vực công cộng như quản lý xe ôm, bán hàng rong, chụp ảnh, bãi gửi xe, v.v. Chính vì vậy, mặc dù lượng khách đông, xe nhiều nhưng đã không xảy ra ùn tắc giao thông và an ninh trật tự được bảo đảm.

Tiếp xúc với nhiều du khách, chúng tôi được nghe nhận xét của họ về công tác quản lý dịch vụ và tình hình an ninh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực tại khu du lịch chùa Bái Đính. Có thể nói, mô hình quản lý phối hợp này cần được duy trì thường xuyên để du khách đến với Bái Đính nói riêng và các khu du lịch khác của Ninh Bình nói chung yên tâm dự hội, tham quan, xứng đáng là vùng quê có bề dày nghìn năm văn hóa.