Du lịch biển miền Trung: Giữ chân khách cách nào?

Hầu hết, các bãi biển nổi tiếng Việt Nam đều tập trung ở khu vực duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, do phát triển theo hướng “mạnh ai, nấy làm”, thiếu liên kết, nên các sản phẩm du lịch biển vẫn cứ na ná giống nhau, chưa hấp dẫn được khách du lịch, hiệu quả kinh tế chưa cao… Tiềm năng lớn…

Dải đất duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, kéo dài từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, với hơn 1.000km bờ biển, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Những bãi biển như: Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Mỹ Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng), Cửa Đại (Quảng Nam), Hoàng Hậu (Bình Định), Long Thủy (Phú Yên), hay Mũi Né (Bình Thuận)… từ lâu nay luôn làm mê hoặc bất cứ du khách nào dù lần đầu đặt chân đến. Cùng với đó là hàng loạt di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận: Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)… Sự hấp dẫn của du lịch biển miền Trung còn bởi cơ sở hạ tầng, các khu du lịch biển thời gian qua đã được đầu tư mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Điều đó đã chinh phục cả những du khách khó tính nhất.
Theo thống kê Đà Nẵng hiện có 42 dự án đầu tư vào du lịch biển, với tổng vốn lên đến 26.393 tỷ đồng; Quảng Nam cũng đến 33 dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn – Hội An với diện tích trên 1.065ha; 4 dự án ven biển ở Khu kinh tế mở Chu Lai; và 7 dự án ở biển Cửa Đại; Phú Yên với bờ biển dài 189km, cũng đã tiến hành xây dựng tuyến đường ven biển nối TP. Tuy Hòa với các cụm du lịch ven biển như: Long Thủy, Hòn Chùa, Bãi Xép, Núi Thơm và hai thắng cảnh cấp quốc gia là đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa…
Sức hút nhỏ
Trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch của một số địa phương trong khu vực duyên hải miền trung vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Phát triển du lịch biển, đảo là hướng đi cần đẩy mạnh ở miền Trung, song còn gặp nhiều hạn chế, do thiếu liên kết. Hiện, du lịch biển ở miền Trung vẫn trong tình trạng manh mún, phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Do thiếu liên kết, nên việc phát triển sản phẩm du lịch biển ở miền Trung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự chồng chéo, trùng lặp, không tạo được tính đặc trưng riêng của từng vùng… là những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của hệ quả này. Có thể lấy ví dụ từ festival biển Nha Trang, mặc dù chúng ta tự coi là có thương hiệu, nhưng các hoạt động diễn ra trong festival những năm qua vẫn chủ yếu là biểu diễn ca nhạc, thời trang, kết hợp hội thi, hội chợ… những hoạt động này cũng giống y các tỉnh khác. Vì thế, nên dẫu có cố gắng, có đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng festival biển Nha Trang chưa đủ tầm để trở thành sự kiện liên kết du lịch biển cả khu vực.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám Đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: Các địa phương mới chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ, thiếu hợp tác, liên kết để khai thác du lịch biển. Do vậy, sản phẩm du lịch trùng lặp, không tạo ra được sản phẩm độc đáo hấp dẫn du khách. Trong thực tế, TP. Đà Nẵng từng liên kết với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế để phát triển du lịch biển nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Ông Đỗ Văn Ba, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận thừa nhận: Mặc dù, đã quan tâm đầu tư, nhưng đến thời điểm này Bình Thuận vẫn còn ít khu resort, khách sạn đạt chuẩn 5 sao, cơ sở lưu trú hiện đại để thu hút du khách.
Níu chân khách cách nào?
(VEN) – Cũng theo ông Ba, để du lịch biển ở miền Trung phát triển, ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng… cần một giải pháp mang tầm chiến lược dài hơi, cũng như yêu cầu cấp thiết hiện nay đó là đẩy mạnh sự liên kết, cùng bắt tay làm du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia hiến kế, nên xây dựng các tuyến du lịch dựa vào khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, chứng tích chiến tranh và di sản văn hoá thế giới vốn sẵn có ở mỗi địa phương. Tuyến du lịch được tổ chức ven biển dọc quốc lộ 1, hay trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại với sự liên kết giữa các địa phương. Mô hình liên kết này sẽ tạo ra một chuỗi điểm đến hấp dẫn. Trong chuỗi điểm đến đó, mỗi điểm sẽ có các chương trình, lễ hội, các sản phẩm du lịch… khác nhau. Ngay cả hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cũng phải được thống nhất giữa các địa phương. Thí dụ, khi đến Đà Nẵng, khách du lịch phải biết Huế, Quảng Nam… có sự kiện gì và từ Huế khách du lịch cũng phải được tường tận Đà Nẵng đang chào đón mình bằng lễ hội hay các điểm đến hấp dẫn nào?
Nhìn sang các nước láng giềng, nếuai đã một lần đặt chân đến Patong Beach – bãi tắm tại miền Nam Thái Lan, không khỏi ngỡ ngàng về thiên đường du lịch biển này, với đầy đủ những khách sạn, những siêu thị, những trung tâm giải trí và các phương tiện phục vụ thể thao ở dưới nước như: môn lặn có bình khí nén, lướt ván có buồm, trượt ván trên mặt nước, chèo thuyền giăng buồm, trượt nước có tàu kéo… Điều khá ngạc nhiên là vào đầu thập niên 1970, Patong chỉ là những đồn điền trồng chuối.
Ghé sang các bãi biển ở Bali (Indonesia), Langkawi (Malaysia)… thật ngạc nhiên, họ đều có sân bay quốc tế và visa cấp tại chỗ. Langkawi có những vị khách nước ngoài sống tới nửa năm mới về nước vì họ có chính sách “cho khách vào dễ nhất và giữ chân khách lâu nhất”. Ngoài đường bay quốc tế, các bãi biển tại Phuket còn có những chuyến xe buýt “con thoi” đưa khách từ Bangkok đến và chỉ cần một đêm trên xe, du khách đã đến được đảo.
Chính sự biến kỳ diệu tiềm năng thành sức mạnh nên mỗi năm Thái Lan thu hút tới 15 triệu khách, Malaysia lên đến 22 triệu, Indonesia 6,3 triệu… Nhưng Việt Nam chỉ vẻn vẹn 5 triệu lượt khách, trong đó chưa đầy 10% trong tổng lượng khách đến với biển. Bởi vậy, hàng năm toàn thế giới chi tiêu tới khoảng 180 tỷ USD cho du lịch (1.430 USD/khách), thì Việt Nam mới thu được 3,7 tỷ USD (974 USD/khách), còn phải phấn đấu nhiều./.