Du lịch Sầm Sơn: Khi chính quyền vào cuộc

Bờ biển Sầm Sơn trải dài 10km với bãi cát phẳng và rộng, nước biển trong xanh hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Với những lợi thế đó, Sầm Sơn vẫn được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong dịp hè.

Tuy nhiên, trong những năm qua, khu du lịch Sầm Sơn còn để xảy ra nhiều hiện tượng không hay như việc chèo kéo, ép khách, ép giá, tai nạn khi tắm biển… làm cho hoạt động du lịch nơi đây gặp nhiều khó khăn. Nhiều du khách khi lên kế hoạch nghỉ hè đã e ngại khi nhắc tới Sầm Sơn bởi phương châm làm du lịch nổi tiếng “chín tháng mài dao, ba tháng chặt chém”.

Xoá dần hình ảnh “Sầm Sơn chặt chém”

Trao đổi với phóng viên VOVNews, ông Vũ Đình Quế, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết, năm 2011, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thị xã, tỉnh Thanh Hóa đã cho phép Thị xã khai trương năm du lịch Sầm Sơn gắn với sự kiện này. Đây cũng là dịp để ngành du lịch Thanh Hóa, đánh giá lại những gì đã làm được và những tồn tại nhằm đưa ra biện pháp khắc phục, tạo hướng đi mới để phát triển du lịch.

Ông Vũ Đình Quế, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Lễ hội “Tuần Văn hóa – Du lịch Sầm Sơn 2011” sẽ khai trương từ ngày 28/4 đến 10/5 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: biểu diễn trò diễn dân gian từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, các giải thể thao truyền thống và mở rộng khu vực phía Bắc.

Cũng theo ông Quế, từ nhiều năm trở lại đây, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Sầm Sơn diễn ra tương đối nhanh. Trước đây, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là ngư nghiệp và nông nghiệp, sau hơn 10 năm phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế đã thay đổi hoàn toàn. Từ năm 1998, Sầm Sơn đưa kinh tế du lịch lên vị trí hàng đầu với 70% dân số làm du lịch, do đó không tránh khỏi nhiều tồn tại bất cập và hạn chế.

Thị xã hiện có 300 cơ sở lưu trú với 6.000 phòng, trên 14.000 giường nghỉ đạt tiêu chuẩn đón hàng vạn du khách mỗi ngày. Doanh thu từ du lịch năm 2010 đạt 600 tỷ đồng.

Để xoá đi hình ảnh “Sầm Sơn chặt chém” trong lòng du khách, trong mùa du lịch 2011, thị xã đã đề ra nhiều giải pháp mang tính tổng thể, xiết chặt quản lý trong hoạt động du lịch. Theo đó, yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn… phải niêm yết công khai giá, bán hàng phải có hóa đơn, Thị xã giao cho Đội quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Bên cạnh đó, thị xã cũng phối hợp với các trường dạy nghề du lịch chuyên nghiệp của tỉnh như Trung cấp nghề Hợp Lực, Trường Thương mại Trung Nam… tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân, hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch về nghiệp vụ chuyên môn về ý thức của người kinh doanh trong việc ứng xử với du khách. Từ đó, giúp người làm du lịch ý thức được công việc của mình, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Khách sạn Công đoàn Bộ Xây dựng sẵn sàng đón khách Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, thị xã sẽ quy định khung giá phòng, giá dịch vụ theo mức giá trần và mức giá tối đa.

Số điện thoại nóng tố cáo các hành vi sai phạm của cơ sở phục vụ du lịch được dán mọi nơi, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của du khách giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng quan điểm với chủ trương của chính quyền thị xã Sầm Sơn, ông Tống Văn Thống, Giám đốc Khách sạn Công đoàn Bộ Xây dựng, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn chia sẻ: Việc áp dụng niêm yết khung giá buồng phòng, công khai giá dịch vụ là việc làm tích cực và cần thiết. Công tác quản lý, đôn đốc giám sát của chính quyền cần được duy trì thường xuyên, tránh để xảy ra hiện tượng kinh doanh chụp giật, “con sâu bỏ rầu nồi canh” gây mất uy tín cho các đơn vị khác.

Đảm bảo an toàn cho khách du lịch

Nói về công tác đảm bảo an toàn cho du khách, ông Quế cho biết, năm nay, Sầm Sơn bố trí lực lượng gồm 30 người, 2 tàu cứu hộ chạy liên tục phía ngoài khu vực bãi tắm, can thiệp tức thời khi du khách bơi ra quá xa, cắm phao tiêu quy định hành lang tắm biển an toàn, chia đều lực lượng bảo vệ trên các bãi tắm.

Với du khách đến Sầm Sơn, thị xã quy định rõ thời gian tắm biển sáng, chiều và một số nội quy bắt buộc: say rượu bia không được tắm, trẻ em tắm biển phải có người lớn tắm kèm, không tắm ngay khi đi từ nơi xa đến… Những nội quy này được dán tại các cơ sở lưu trú, đồng thời chính quyền yêu cầu các cơ sở phải có trách nhiệm phổ biến cho du khách biết, tránh những tai nạn đáng tiếc không đáng có.

Sầm Sơn lúc bình minh Để đảm bảo trật tự an ninh cho du khách, Công an thị xã đã bố trí 4 điểm có lực lượng an ninh túc trực thường xuyên 24/24 giờ làm nhiệm vụ. Tại khu vực núi, bãi tắm A, B, C, mỗi điểm được bố trí 1 đội bảo vệ trật tự với quân số trên 1 trung đội( khoảng 30 ngươi) sẵn sàng ngăn chặn, bảo vệ, giải quyết khi quyền lợi của du khách bị xâm hại.

Ngoài ra, thị xã phân công cho đội quy tắc và Phòng Thương binh Xã hội quản lý chặt đối tượng ăn xin, ăn mày, xác định rõ nhân thân đối những đối tượng này, trao trả về địa phương những đối tượng “hành nghề” chuyên nghiệp, hoặc trợ cấp những trường hợp cơ nhỡ…

Việc áp dụng luật và xây dựng quy chế kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục trên địa bàn cũng như trường học, từ năm 2010, tình trạng ăn xin, ăn mày đã được xử lý thành công, hiện tượng đeo bám du khách để bán hương đã không còn.

Công tác quảng bá tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Sầm Sơn đã được thị xã chú trọng. Phòng Văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, truyền thông tích cực về Tuần du lịch cũng như các bước đột phá mới của du lịch Sầm Sơn trong năm nay và những năm tiếp theo…

Đứng trước bãi biển trong xanh đang nối dài những con sóng vỗ vào bờ cát trắng, ông Vũ Đình Quế không giấu được vẻ tự hào khi giới thiệu với chúng tôi: Thị xã đang tập trung quy hoạch, cải tạo và mở rộng không gian khu du lịch Sầm Sơn. Khu vực núi Quảng Cư đang chờ đón các nhà đầu tư lớn, kết hợp du lịch với các dịch vụ du lịch khác… Khi các dự án đi vào hoạt động, du lịch Sầm Sơn sẽ phát triển mạnh với quy mô lớn và tính chuyên nghiệp hóa, đưa Sầm Sơn thành điểm đến tuyệt vời cho du khách gần xa.