Đừng thương mại hóa Lễ hội đền Hùng

Không có những chai rượu, bát miến khổng lồ dâng lên Tổ Hùng Vương trong Lễ hội đền Hùng năm nay, nhưng câu chuyện về xã hội hóa trong một lễ hội đặc biệt, ở cấp quốc gia chưa dừng lại.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khi trao đổi với Thanh Niên đã khẳng định: “Không thể có chuyện xã hội hóa phần lễ trong giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng, nhưng trong phần hội, một số doanh nghiệp có thể tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi phục vụ khách hành hương, đó là việc xã hội hóa”. Tuy nhiên, những rắc rối dài kỳ diễn ra trong nhiều năm qua như bánh chưng nhân xốp, ly cà phê, chai rượu khủng đã nảy sinh khi ranh giới giữa xã hội hóa và thương mại hóa rất khó được phân định rạch ròi.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng những năm gần đây, cứ chục mét lại có một danh ngôn hoặc một câu thơ nói về truyền thống dân tộc, như “uống nước nhớ nguồn” hay “cây có cội, suối có nguồn” thì ngay phía dưới sẽ là những

slogan (khẩu hiệu) quảng cáo kiểu “MobiFone, mọi lúc mọi nơi” hoặc “Hãy nói theo cách của bạn”. Ở mùa hội năm nay cũng vậy, cạnh trục hành lễ là nhiều hàng quán dựng ô quảng cáo Coca Cola, LaVie. Dưới các khẩu hiệu: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là “Vương Cường Group”. Tương tự, ở khu vực vui chơi của lễ hội, dưới những câu thơ: “Núi Hùng cao ngất một miền Tây, Vua tổ mình xưa, gốc ở đây” là… nhà hàng Thái Bình, có luôn cả địa chỉ, điện thoại. Nhà mạng Vinaphone thì từ nhiều năm nay đã dựng ở ngay lối vào một tháp cao bằng thép để phô trương thanh thế.

Mùa hội năm nay, trước cổng chính có một nhóm thanh niên đeo băng đỏ cầm dùi cui ngăn xe máy và bắt những ai… yếu bóng vía phải gửi xe vào bãi. Sau “cửa ải” này mới là bãi xe số 1 của trung tâm du lịch, dịch vụ thuộc Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ngày 9.3 âm lịch, chúng tôi đã bị nhân viên bãi xe này chặn lại, yêu cầu bỏ mũ bảo hiểm ra gửi riêng với giá 3.000 đồng, xe gửi riêng giá 15.000 đồng. Hôm sau, đúng ngày giỗ Tổ, giá gửi xe lên đến 20.000 đồng. Khó có thể quản được các dịch vụ “chặt chém” du khách, khi ban tổ chức cũng “ra tay” với du khách như thế.

Được biết, trung tâm du lịch, dịch vụ này phục vụ từ ăn uống, sắm lễ, hàng lưu niệm. Hầu hết những hàng quán xây dựng kiên cố và treo bảng hiệu hoành tráng, khiến du khách đến đền Hùng ngỡ như lạc vào một hội chợ của trung tâm này. Đáng nói là, trong khi các hoạt động trong phần lễ của Lễ hội đền Hùng luôn được tổ chức bài bản, tới mức khô cứng, ví như chuyện ngăn lối lên núi khiến cả trăm nghìn du khách phải chầu chực nhiều giờ mới được lên đền Thượng bái Tổ Hùng Vương sáng 10.3 âm lịch, thì phần hội, lại tổ chức quá sơ sài và luộm thuộm với các màn đánh đuống, hát xoan, múa kỳ lân chỉ lèo tèo có vài diễn viên. Trong khi đó, sự bành trướng quá mức của hàng quán, dịch vụ khiến người ta không khỏi đặt dấu hỏi, phải chăng đây là lễ nước, hội làng?

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng, cho biết trước giỗ Tổ năm nay, có doanh nghiệp đã đề nghị dâng vua Hùng bánh chưng, bánh dày song đã bị từ chối, việc kiểm soát hoạt động buôn bán, dịch vụ cũng được đẩy mạnh nên du khách đỡ cảm thấy ngột ngạt khi về giỗ Tổ và trẩy hội. Tuy nhiên, giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng những năm tiếp theo, nhất là những năm tròn, năm chẵn chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với sự thương mại hóa. Nói như GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thì: “Chuyện mua bán là không thể thiếu trong lễ hội. Nhưng biến lễ hội thành nơi mua bán chính là làm biến tướng lễ hội”.