Hà Nội sẽ có 10 tuyến phố đi bộ

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa trình UBND TP “Đề án tổ chức phố đi bộ tại khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm”. Theo đó, trong tháng 12-2011 sẽ triển khai 10 tuyến phố đi bộ, gồm sáu tuyến phố mới và bốn tuyến đã triển khai từ năm 2004. Thời gian tổ chức phố đi bộ được mở rộng từ 6g sáng thứ bảy đến 22g đêm chủ nhật.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết việc tổ chức phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là rất cần thiết, nhằm tạo ra một không gian đi bộ cho tất cả người dân, du khách. Sở đã tiến hành khảo sát và điều tra xã hội học, kết quả tại khu vực 10 phố đi bộ có đến 70,4% phiếu ủng hộ, số phiếu không ủng hộ và ý kiến khác chỉ chiếm 29,6%.

* Trong thời gian tổ chức phố đi bộ, điều người dân băn khoăn nhất là phương tiện đi lại của người dân sẽ được quy định hoạt động ra sao?

– Trong thời gian tổ chức phố đi bộ, tại 10 tuyến phố đi bộ sẽ tổ chức cấm xe ra vào, trừ những xe ưu tiên có phù hiệu. Đối với 925 hộ dân tại 10 tuyến phố tổ chức không gian đi bộ, sở đã xác định có 1.529 phương tiện, trong đó xe máy chiếm trên 95%, ôtô chỉ có 38 xe. Số ôtô này chủ yếu được gửi tại các bãi gửi xe nên việc tổ chức phố đi bộ không ảnh hưởng nhiều đến những người có loại xe này. Còn xe máy phần lớn được để tại nhà (chiếm 78,54%), còn lại được gửi tại các bãi gửi xe lân cận khu vực kinh doanh buôn bán của người dân (chiếm 21,46%). Đề án xử lý bằng cách cấp phù hiệu riêng cho các xe của người dân trong khu vực phố đi bộ để được gửi xe tại các bãi xe do Sở GTVT, UBND quận Hoàn Kiếm bố trí trong thời gian tổ chức phố đi bộ.

* Sẽ bố trí bao nhiêu điểm trông giữ xe cho người dân, khách tham quan và giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thu phí giữ xe quá giá khi số lượng phương tiện tăng đột biến, thưa ông?

– Tổng thể cần tới 14 điểm giữ xe cho người dân trong phố và du khách đến tham quan, mua sắm. Trường hợp đặc biệt, khi tổ chức phố đi bộ vào các ngày lễ lớn, lượng xe tăng đột biến, sẽ tận dụng các tuyến phố lân cận khu vực triển khai tuyến phố đi bộ để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu gửi xe. Về việc thu phí giữ xe, các cơ quan chức năng, quận và các phường sẽ phải có trách nhiệm giám sát, xử lý.

* Các xe công vụ hoặc xe phục vụ nhu cầu thiết yếu như thu gom rác sẽ được hoạt động ra sao?

– Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ lần này được xác định khác với tổ chức bốn tuyến phố đi bộ trước đây, đó là phải đảm bảo nguyên tắc không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường để không ảnh hưởng đến việc đi bộ của người dân. Tại các tuyến phố đi bộ vẫn cho phép xe du lịch điện được hoạt động để phục vụ du khách. Đối với ôtô thuộc các cơ quan có trụ sở tại khu phố tổ chức đi bộ, sẽ được cấp phù hiệu và phải để xe trong khu vực của cơ quan. Các loại xe công vụ, xe thư báo, xe đưa đón học sinh… sẽ được xem xét cấp phù hiệu để đi vào tuyến phố trên nhưng phải đảm bảo điều kiện chỉ được chạy với vận tốc dưới 15km/g và theo sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông. Các phương tiện vệ sinh môi trường, vận tải hàng hóa… sẽ được vào các tuyến phố đi bộ từ 22g đến 6g sáng, khi không thuộc giờ tổ chức phố đi bộ.

* Đề án có tính đến việc phân luồng tại những khu vực giáp ranh phố đi bộ, cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào?

– Việc phân luồng này có các phương án riêng, khi UBND TP duyệt đề án và cho phép thực hiện, sở sẽ công bố cụ thể phương án phân luồng và thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Ví dụ như với các tuyến xe buýt trước đây được đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong thời gian tổ chức phố đi bộ sẽ được điều chỉnh tại khu vực tuyến phố lân cận theo nguyên tắc tiếp cận gần nhất khu vực phố đi bộ. Các xe chở khách du lịch sẽ bố trí đón trả khách tại vị trí điểm đỗ xe Trần Quang Khải hoặc trước cửa Nhà hát Lớn, sau đó khách sẽ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. Ngoài việc phân luồng và tổ chức giao thông, trong những ngày tới sở sẽ tiếp tục làm việc với quận Hoàn Kiếm để hoàn thiện tất cả các phương án, đảm bảo hạn chế ít nhất những xáo trộn khi thực hiện.