Kêu gọi các công ty lữ hành và các nhà đầu tư du lịch Hà Nội cùng khai thác thế mạnh du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long mong muốn liên kết với các công ty lữ hành Hà Nội tổ chức tour cho khách trong và ngoài nước đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư du lịch Hà Nội cùng khai thác thế mạnh du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo xúc tiến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/8/2010, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã ký chương trình hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhằm khai thác các nguồn lực để du lịch địa phương phát triển bền vững, kêu gọi các hội viên đầu tư khai thác thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch.

Hướng phát triển lâu dài của Đồng bằng sông Cửu Long là phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường bền vững. Các tỉnh này cùng nhau thúc đẩy du lịch văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao.

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh, thành phố, được mệnh danh là “vùng đất Chín Rồng,” giàu có về tiềm năng du lịch với cảnh quan sông nước miệt vườn, rừng ngập mặn, núi, biển, đảo… cùng các di tích lịch sử văn hóa cách mạng, lễ hội truyền thống của các dân tộc, các làng nghề.

Du khách có thể tham quan sông nước miệt vườn, thưởng lãm các vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre; thăm chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều (Cần Thơ).

Những giá trị của hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn của Đồng Tháp và bán đảo Cà Mau hay vùng cực Nam của Tổ quốc (đất mũi Cà Mau) là những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng bởi các vườn quốc gia Tràm chim Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau, các đảo Phú Quốc, Hòn Khoai, Hòn Tre, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử và các bãi biển đẹp như Mũi Nai (Hà Tiên), Hòn Chông, Ba Động (Kiên Giang)…

Các lễ hội truyền thống như lễ hội Vía Bà Chúa Sứ Núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội Ooc Om Boc và đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer, chùa Dơi, chùa Đất Sét… thu hút lượng lớn du khách.

Văn hóa ẩm thực của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cũng là nét đặc sắc của vùng đất này, đặc biệt sinh hoạt đờn ca tài tử là loại hình văn nghệ độc đáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần cư dân vùng sông nước miệt vườn Cửu Long.