Khai hội Chùa Hương 2011: lại ùn tắc và chặt chém

Trưa mùng Năm Tết, phóng viên chứng kiến cái cảnh “tắc chết”. Hai dòng người vào ra nghẹn ứ nơi cửa động… có cảnh giẫm đạp và nhiều nước mắt, may mà không xảy ra thương vong!

Vấn đề đảm bảo an toàn, trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội chùa Hương vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời dù hội còn kéo dài đến tháng Ba âm lịch.

Nô nức đi hội

Lễ hội dài nhất nước ở khu thắng tích Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) năm nay tiếp tục thu hút phật tử, du khách đổ về những ngày đầu xuân.

Ngay từ trước Tết đã có những chuyến xe đưa du khách về đây thắp hương lễ Phật. Và dường như chỉ có mùng 1 Tết, không gian của suối Yến, Thiên Trù, Hinh Bồng, Giải Oan, Đại Binh… thưa thớt người, còn từ mùng 2, lượng khách đi chùa bắt đầu tăng lên theo cấp số nhân.

Ông Lương Phúc Vinh, một người giỏi chữ Nho từ trong tận Lâm Đồng năm nay lại ra viết sớ. Mấy năm qua, năm nào ông cũng ra, ngồi trên bến đò viết chữ suốt gần 3 tháng hội. Anh Phạm Quang Sơn, kiến trúc sư ở Hà Đông cùng bạn bè thuê xe đi chùa từ tối mùng 4 để cho thoáng, đỡ phải chen lấn.

Từ ngày mùng 2 Tết đến 13 giờ ngày mùng 6 Tết, số lượt khách dự hội chùa Hương vào khoảng 60.000 người.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng BQL khu di tích danh thắng Hương Sơn – Phó Trưởng ban thường trực BTC lễ hội chùa Hương 2011, để đảm bảo an toàn cho du khách, BQL sẽ liên tục kiểm tra những cửa hàng dịch vụ phục vụ trong lễ hội, xử lý nặng trường hợp vi phạm những quy định của lễ hội như đốt vàng mã tùy tiện, bày bán thịt thú rừng, “chặt chém” du khách…

Để hạn chế ùn tắc, BQL và UBND huyện Mỹ Đức đã huy động một lực lượng lớn CSGT và công an, dân phòng tham gia điều tiết, phân luồng giao thông. Nhưng những nỗ lực trên dường như chưa đủ sức thay đổi được nhận thức của nhiều hộ kinh doanh và làm dịch vụ.

Theo quy định, giá vé đò từ bến Yến lên đền Trình là 25.000 đồng/lượt với đò không ghế, 35.000 đồng/lượt với đò có ghế nhưng tình trạng chặt chém vẫn diễn ra. Anh Vũ Đình Tuấn ở Đại Từ – Thái Nguyên cho biết: “Giá vé đã niêm yết nhưng khi lên đò, các chủ đò vẫn tìm đủ mọi cách để moi tiền của khách. Thành ra mỗi lượt đi thay vì mất 25.000 đồng, mỗi du khách thường mất từ 50.000 – 70.000 đồng”.

Em sợ… chùa Hương

Lễ hội chùa Hương năm nay tái diễn tình trạng nhiều cửa hàng ăn bày bán trông hết sức “xôi thịt” gây phản cảm với du khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thanh, mặc dù BQL chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh, vệ sinh môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng các cửa hàng dịch vụ lại do UBND xã quản lý nên việc kiểm tra, xử phạt rất khó”.

Phục vụ du khách vãn cảnh chùa là đội đò đến hơn 4 ngàn chiếc, ở suối Yến còn có thanh tra giao thông chạy ca nô, nhưng trong cả ngàn con đò tuyệt không thấy có lấy một tấm áo phao hay phao cứu sinh. Còn ngay dưới bến đò cũng là cửa chùa Thiên Trù, không ít cửa hàng ăn công khai bán thịt thú rừng. Những con thú nguyên lông, máu rỏ tong tỏng treo nơi cửa quán cũng ngay cận cửa chùa.

Rời động Hương Tích gặp ngay vài cửa hàng bán súng nhựa chạy pin trẻ con, cả nam thanh nữ tú mua súng bắn nhau tành tạch… rồi cười. Thấy cái cảnh ấy không ít người già chắp tay “Mô Phật”. Sau sự bồng bềnh trên con đò là đến chen lấn, xô đẩy. Xưa, cái thuở ấy cũng cách đây đến 20 năm, người ta vừa đi, vừa chắp tay lên ngực lễ Phật, gặp nhau là chào bằng câu “Nam mô a di đà Phật”, nay người chen người như nêm cối, tay còn dùng mà bấu, víu, giữ đồ… mấy ai còn chắp tay lên ngực.

Tiếng “Mô Phật” thường nghe được từ các cụ khi bị dúi ngã mà âm sắc như ta thán. Chen để được vào cáp treo, sao người ta bán lắm vé thế! Cầm tấm vé trong tay rồi còn qua xếp hàng chen lấn gần 2 giờ mới lên được cáp treo để đến động Hương Tích, “cái rốn” của sự chen lấn. Cửa động rộng nhỏ mà cả vạn người muốn vượt qua nó để vào động mỗi ngày, trách gì không tắc.

Trưa mùng Năm Tết, phóng viên chứng kiến cái cảnh “tắc chết”. Hai dòng người vào ra nghẹn ứ nơi cửa động… có cảnh giẫm đạp và nhiều nước mắt, may mà không xảy ra thương vong!