Mở màn mùa du lịch hè 2011: Phía sau hội hè…

Trong hai ngày 30-4 và 1-5, hàng loạt lễ hội du lịch được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước mở màn cho mùa du lịch hè 2011. Lễ hội nào cũng đông vui rộn rã. Thế nhưng, đằng sau sự vui ấy là bao điều đáng bàn.
Du lịch “nóng” cùng lễ hội
Phải đến tối nay (1-5), tâm điểm của Tuần lễ Du lịch Hạ Long 2011 là Lễ hội Carnaval mới bắt đầu, nhưng từ 29 đến 30-4, du khách khắp nơi đã nườm nượp đổ về để tham dự nhiều hoạt động bên lề, như Liên hoan Ẩm thực Hạ Long 2011, Triển lãm sinh vật cảnh, Giải Bóng chuyền bãi biển nữ châu Á… Gần 500 cơ sở lưu trú với hơn 8.000 phòng nghỉ ở trung tâm TP Hạ Long đều đã đạt công suất lên đến trên 90%. Theo dự đoán của Ban tổ chức, lượng khách về tham dự các hoạt động trong Tuần Du lịch Hạ Long năm nay có thể sẽ tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái.
Giống như Hạ Long, đêm khai mạc Liên hoan Du lịch “Đồ Sơn biển gọi” diễn ra vào tối 30-4 với chương trình ca nhạc sôi động ca ngợi quê hương, đất nước và khát vọng vươn ra biển lớn của người dân Đồ Sơn có sự tham gia của các ca sĩ như Trọng Tấn, Anh Thơ, Minh Quân… cũng đã thu hút lượng lớn du khách. Họ đến đây, phần lớn tò mò muốn được khám phá bể bơi lọc nước biển lớn nhất Đông Nam Á có diện tích khoảng 7ha được khánh thành trong dịp này.
Italia vô địch DIFC 2011

Sau hai đêm tranh tài đội Italia (Công ty pháo hoa Parente) đã đoạt giải nhất Cuộc thi pháo hoa quốc tế TP Đà Nẵng (DIFC) 2011 với màn trình diễn “Sức sống của dòng sông”. Đội Hàn Quốc (Công ty Hanwha) và đội Trung Quốc (Công ty Panda) cùng đoạt giải nhì với các màn trình diễn “Sông Hàn và những thách thức” và “Xuôi dòng Hàn giang”. Đồng giải ba thuộc về đội Anh (Công ty Jubilee) và đội chủ nhà Việt Nam với phần biểu diễn “Xuôi dòng lịch sử sông Hàn” và “Lung linh sông Hàn”.

Cùng với nhiều điểm đến trên cả nước, những ngày này, du lịch miền Trung đang “nóng” lên với Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 “Lung linh sông Hàn” diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4. Theo Sở VH, TT& DL Đà Nẵng, bên cạnh cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế còn có rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, Liên hoan Ẩm thực 3 miền và các món nướng được tổ chức tại bãi biển công viên Biển Đông và vườn tượng của làng nghề Non Nước tại đường Bạch Đằng được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng. Thống kê của các hãng lữ hành cho thấy, lượng khách đăng ký tour tới Đà Nẵng dịp này tăng 50-100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Làm du lịch kiểu “tùng rinh rinh”

Theo thống kê sơ bộ, vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam diễn ra hơn mười lễ hội lớn, nhỏ, trong đó tập trung nhiều nhất ở những địa phương có tiềm năng du lịch biển. Những lễ hội được tổ chức cầu kỳ với ý nghĩa mở màn mùa du lịch hè 2011, đồng thời là để quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng, miền đến du khách.
Trước thực tế trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn cho rằng, trong những năm gần đây, lễ hội mở màn cho mùa du lịch có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, hình thức và quy mô. Các lễ hội, hiện đại thường được định dạng Festival, hoành tráng hơn thì là Festival quốc tế, Festival mang tầm quốc gia, huy động hàng trăm, hàng nghìn diễn viên với các phương tiện, thiết bị hiện đại. Đâu cũng rộn rã cờ hoa, trống chiêng, ê hề sản vật và không thể thiếu khoản truyền hình trực tiếp. Cái lợi về kinh tế của lễ hội là có, ý nghĩa cũng rõ ràng, nhưng nếu xét về tính hiệu quả so với những khoản tiền không nhỏ đã bỏ ra thì không phải không tốn kém, lãng phí tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân. Đáng bàn là sau khi lễ hội qua đi, cảnh chất lượng dịch vụ yếu kém, môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, du khách bị đeo bám, “chặt chém”… lại hoành hành. “Chúng ta đang làm du lịch theo kiểu “tùng rinh rinh” mà chưa đi vào chất lượng và chiều sâu, tức là khai trương thì ầm ĩ nhưng sau đó, hiệu quả đến đâu thì đến. Đáng nhẽ, thay vì việc tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương nên dùng số tiền đó để cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm trước khi bước vào mùa du lịch mới thì sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Nhanh chóng thay đổi nhận thức
Để ngành “công nghiệp không khói” thực sự phát triển thì không thể chỉ quan tâm đến du lịch quốc tế, mà còn phải khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta đã bỏ ngỏ hoặc không quan tâm nhiều đến khách trong nước. Điều đó khiến cho nhiều người Việt sẵn sàng bỏ tiền sang nước ngoài du lịch thay vì đi du lịch trong nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, cách làm du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới là luôn hiểu du khách cần gì, muốn gì, trong khi du lịch Việt Nam mới chỉ “quảng bá những thứ mình có, chứ chưa quan tâm đến cái du khách cần”. Xuất hiện xu hướng rõ ràng là chạy theo hình thức, tập trung đầu tư thu hút khách trong một vài ngày diễn ra lễ hội hay sự kiện văn hóa nào đó thay vì giữ chữ tín cho mục tiêu dài hơi. Hàng loạt vấn đề như “loạn giá”, kinh doanh chụp giật, chất lượng dịch vụ kém không thể khỏa lấp bằng vài ba buổi “tùng ring rinh”, đã khiến du khách “một đi không trở lại”. Đó là điều cần đầu tư tháo gỡ hơn là lo mở hội thái quá.
“Tuần Văn hóa – Du lịch Sầm Sơn 2011” diễn ra từ 28-4 đến 10-5 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên khi nhắc tới Sầm Sơn, nhiều du khách e ngại bởi phương châm làm du lịch nổi tiếng “chín tháng mài dao, ba tháng chặt chém” ở đây. Theo đại diện UBND thị xã Sầm Sơn, để xóa đi hình ảnh “Sầm Sơn chặt chém” trong lòng du khách, mùa du lịch 2011, lãnh đạo thị xã đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn… phải niêm yết công khai giá, bán hàng phải có hóa đơn. Bên cạnh đó, thị xã cũng phối hợp với các trường dạy nghề du lịch của tỉnh Thanh Hóa tổ chức tập huấn cho người dân, hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch về nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là về cách ứng xử với du khách. Sầm Sơn cũng đã bố trí lực lượng gồm 30 người, 2 tàu cứu hộ ứng trực liên tục phía ngoài khu vực bãi tắm để bảo đảm an toàn cho du khách.