Đặc sản du lịch Cát Bà: Khách du lịch thích, song khó mua

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện Cát Hải tập trung đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng tại các hộ dân đạt hiệu quả cao. Nhiều sản phẩm trở thành thương hiệu của du lịch Cát Bànhư: dê núi, nhím, gà Liên Minh, cam Gia Luận, mật ong và các loại rau xanh… Những năm gần đây, cây dược liệu hibiscus sabdariffa Linn (hồng hoa) có giá trị cao, phù hợp với đất đồi ở Cát Bà.

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: huyện tiếp tục chỉ đạo việc trồng đại trà cây dược liệu hồng hoa trên đất gò đồi tại đảo Cát Bà theo hướng sản xuất trở thành đặc sản của du lịch Cát Bà trong thời gian tới. Diện tích trồng cây hồng hoa ngày càng tăng, tập trung tại các xã Xuân Đám, Hiền Hào, Việt Hải. Các hộ dân phấn khởi, yên tâm sản xuất vì sức tiêu thụ loại dược liệu này mạnh và được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặt khác, huyện trồng thử nghiệm cây ba kích tím tại các xã Gia Luận, Việt Hải với hy vọng đem lại sản phẩm mới cho Cát Hải.

Thăm khu vực nuôi ong lấy mật của gia đình ông Hoàng Xuân Sơn, thôn Liên Minh, xã Trân Châu khi ông đang kiểm tra đàn ong mật, mới thấy sự năng động, sáng tạo và nhạy cảm không chỉ trong sản xuất mà còn luôn tìm hướng đổi mới cách thức sản xuất. Ông Sơn cho biết, khách du lịch ưa thích mật ong Cát Bà.  Sản lượng mật ong năm qua giảm do hoa quả mất mùa, nguồn hoa lấy mật ít và thời tiết xấu ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi ong lấy mật. Mặc dù vậy, nhiều hộ dân như gia đình tôi có thu nhập hàng chục triệu đồng từ sản phẩm này
Sản lượng hoa quả tươi của huyện Cát Hải năm 2010 đạt 455 tấn; diện tích trồng cây hồng hoa hiện trên 6,5 ha; trồng thử nghiệm 3 ha cây ba kích tím tại xã  các Gia Luận, Việt Hải; đàn dê đạt 4.670 con; đàn ong duy trì 2.000 đàn; sản lượng mật ong đạt 4.970 lít,)
Giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp tăng cao, năm 2010 đạt 43.060 triệu đồng, trong đó có đóng góp quan trọng từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Do vậy, đời sống của bà con nông dân ở khu vực sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng được nâng cao.
Số hộ có mức thu nhập cao ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, điển hình như các hộ gia đình ông Nguyễn Đình Huy, nông dân xã Phù Long, ông Nguyễn Đình ấm, nông dân thị trấn Cát Hải, ông Nguyễn Viết Tưởng, nông dân thị trấn Cát Bà, ông Nguyễn Văn Điếm, nông dân xã Việt Hải…
Trưởng phòng văn hóa- thể thao và du lịch Vũ Tiến Bảy cho biết: sản phẩm như mật ong, dê núi, nhím, gà Liên Minh; mắm Cát Hải  là niềm tự hào của du lịch Cát Bà. Đây là những đặc sản được nhiều du khách quan tâm, luôn chiếm  thị phần cũng như giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, nhiều khách du lịch than phiền vì nhu cầu ngày càng tăng nhưng sản phẩm ngày càng khan hiếm. Đây cũng là thách thức với huyện Cát Hải vì diện tích đất nông nghiệp, nhất là những nơi phù hợp phát triển những đặc sản trên ngày càng  bị thu hẹp, trong khi sự đầu tư, hỗ trợ từ các cấp chính quyền chưa tương xứng. Người nông dân mong những định hướng cụ thể, có quy hoạch, khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch trên.