Đánh thức tiềm năng biển miền Trung

Du lịch biển đảo được chọn là chủ đề của Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ 2011 do tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức. Điều đó cho thấy tiềm năng to lớn của du lịch biển, đảo mà các địa phương thuộc dải đất miền Trung nhiều sóng gió được thiên nhiên ban tặng. Nhưng để khai thác được tiềm năng ấy thì còn nhiều việc phải làm, trong đó, mối liên kết vùng trong phát triển du lịch cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Nhiều tiềm năng

Miền Trung đã và đang trở thành tâm điểm của du khách và các nhà đầu tư nhờ có nhiều bãi biển và đảo lớn nhỏ với những kỳ quan, thắng cảnh hùng vĩ. Trong đó, biển Nha Trang (Khánh Hòa) là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Quảng Nam, Đà Nẵng cũng là hai địa phương từ lâu đã khẳng định được thương hiệu du lịch. Tuy là 2 đơn vị hành chính, nhưng 2 tỉnh, thành phố này chỉ cách nhau chừng 30km, du khách đến Quảng Nam có thể đi tour tham quan Đà Nẵng và ngược lại. Bình Định cũng có những bãi cát dài ngập tràn ánh nắng và làn nước trong xanh như Bãi Dài, Hải Giang của vùng biển Quy Hòa; Ghềnh Ráng với bãi tắm Hoàng Hậu thơ mộng. Trong khi đó, Phú Yên lại có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có bờ biển dài hơn 190km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, như: đầm Cù Mông, đầm Ô Loan. Vịnh Vũng Rô gắn liền với di tích lịch sử của đoàn tàu không số và con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

Bên cạnh đó, miền Trung còn sở hữu hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Vẫn lãng phí

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng các tỉnh miền Trung vẫn chưa khai thác hiệu quả và chưa thể biến du lịch thành cú hích trong phát triển kinh tế. Về vấn đề này, ThS. Trần Mai Phượng, giảng viên Đại học Huế cho rằng: “Du lịch biển Nam Trung Bộ vẫn chưa thực sự là một thương hiệu gây ấn tượng và tạo được niềm tin trong lòng du khách”. Trên thực tế, mặc dù mỗi năm miền Trung thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, song thời gian lưu trú và mức chi tiêu vẫn còn thấp khi so sánh với các điểm du lịch khác trong khu vực.

Theo số liệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến Việt Nam chỉ từ 1,5 – 2,5 ngày. Trong đó, khách đến Thừa Thiên – Huế lưu trú bình quân 2,1 ngày và chi tiêu 76 USD/khách/ngày; Đà Nẵng là 2,1 ngày và 65 USD/khách/ngày; Quảng Nam cao nhất cũng chỉ 2,6 ngày và 76 USD/khách/ngày. Lượng khách du lịch quốc tế đến miền Trung trong suốt thời gian từ 2000-2009 luôn dao động trong khoảng từ 17-18,6% tổng lượng khách quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước và lượng khách nội địa dao động từ 2-2,5% nên đóng góp còn hạn chế, chỉ chiếm 6,89% tổng thu nhập du lịch toàn quốc.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các địa phương chưa tạo được sản phẩm chuyên biệt. Đơn cử như tại Phú Yên, có các danh thắng như gành Đá Đĩa, mũi Điện nhưng lại thiếu sản phẩm du lịch khác phục vụ du khách, ngoài sự hoang sơ. Không chỉ phung phí tài nguyên du lịch biển, Nam Trung Bộ còn chưa khai thác đúng mức tài nguyên đặc sắc về du lịch văn hóa với hàng loạt di chỉ khảo cổ học như Sa Huỳnh, Chămpa rải đều khắp vùng. Nhiều lễ hội độc đáo của các dân tộc cũng không được khai thác hiệu quả. Sự thiếu liên kết giữa các địa phương, chồng chéo trong sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến quảng bá còn rời rạc, chưa quy thành một mối… đã kìm hãm sự phát triển của du lịch miền Trung.

Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hương Giang cho biết, Huế và Hội An là hai điểm đến mà hầu như du khách nào cũng chọn ngủ lại. Tuy nhiên, các dịch vụ để du khách tiêu tiền tại hai nơi này chưa phát triển. “Nhiều du khách, bạn bè của tôi sang đây du lịch đều trong tình trạng không biết tiêu tiền vào đâu. Chỉ có vài điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, áo quần như chợ Đông Ba, phố cổ Hội An, tiểu thương lại nổi tiếng nói thách giá khiến nhiều du khách ngại ngần”, ông Quý cho hay.

Trên thực tế, du khách đến Huế gần như chỉ đi ngắm các di sản và thưởng thức ẩm thực của người dân địa phương. Còn khách đến Hội An cũng chỉ có thể tiêu tiền bằng mua vài chiếc đèn lồng và vải vóc, áo quần. Tại những nơi này, hoàn toàn chưa có những trung tâm mua sắm đủ sức hút khiến du khách không thể không tới. Ngoài ra, hoạt động giải trí về đêm cũng gần như không có.

Cần đẩy mạnh liên kết

Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của du lịch miền Trung là chưa phát huy đầy đủ những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch, còn trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa bàn, các địa phương trong vùng. Du lịch miền Trung có nhiều điều kiện để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế đầy hấp dẫn nếu biết khai thác sự khác biệt. Bởi trên thực tế khách du lịch luôn khao khát tìm hiểu những điều mới lạ và khác biệt của điểm đến so với những thứ đã có tại quê hương họ hoặc những điểm đến họ đã trải nghiệm.

Do đó, đối với du lịch miền Trung, việc tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và khác biệt phải luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và khẳng định vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Ngoài ra, một giải pháp mang tính dài hơi là cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trên nhiều mặt, có quy hoạch phát triển loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương để tránh sự chồng chéo.