Đi Sa Pa dịp 30/4: Cần đọc ngay

“Lễ hội trên mây Sa Pa – 2011” nằm trong chương trình du lịch “Về cội nguồn 2011”, do các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Yên Bái tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 27/4 – 4/5/2011.
Lễ khai mạc chính thức được UBND huyện Sa Pa tổ chức tại trung tâm thị trấn vào 20h ngày 30/4 với nghi thức phần lễ ngắn gọn, tiếp theo đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Đêm 30/4, sau lễ khai mạc, du khách sẽ được khám phá cảnh kéo vợ của người dân tộc Mông và nghi thức hát giao duyên của trai gái người dân tộc Dao Đỏ trong “Đêm chợ tình Sa Pa”, do Trung tâm Văn hoá huyện Sa Pa phối hợp với các xã trong huyện tổ chức tại khu vực phố cổ Sa Pa.
Ông Lê Đức Luận, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Du khách tới thăm Sa Pa dịp này sẽ có nhiều cơ hội thăm quan, khám phá vùng du lịch nổi tiếng Tây Bắc qua nhiều hoạt động phong phú, độc đáo của lễ hội.
Ngày 1/5, UBND xã Tả Phìn phối hợp với ngành du lịch Lào Cai tổ chức tour du lịch “Một ngày làm nông dân Sa Pa”. Du khách sẽ được trực tiếp lao động sản xuất với người dân sở tại như đi rừng lấy cây thuốc, học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa trên vải theo cách của người Dao, nấu ăn theo phong tục truyền thống của người dân tộc thiểu số địa phương.
 
Nhưng đến thời điểm này, vé tàu Hà Nội lên Lào Cai không thể đặt được. Nhiều gia đình muốn đi du lịch Sa Pa dịp này chỉ còn lựa chọn cách lái xe từ Hà Nội lên thẳng Sa Pa. Còn các khách sạn ở Sa Pa đều thông báo đã được đặt kín chỗ từ cách đây nửa tháng.
Nhiều du khách muốn nghỉ dài ngày ở Sa Pa đang lâm vào cảnh không biết ở đâu.
Trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: “Năm nào cũng vậy, du lịch Sa Pa vào dịp nghỉ lễ này luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, mặc dù đã huy động tối đa phòng ở khách sạn, nhưng dịp 30/4, Sa Pa lúc nào cũng đón một lượng khách quá lớn. Sở đã đưa ra phương án đưa hình thức du lịch “homestay” đối với những khách không thuê được khách sạn”.
Ông Dũng cũng cho biết, một số du khách đã lựa chọn phương án thuê phòng khách sạn ở Thành phố Lào Cai.
Thông tin chuyến đi Sa Pa:
Sáng, điểm tâm tại chợ Sa Pa có cháo lòng và bánh cuốn thịt nướng.
Nếu ăn trưa bằng bánh mì hoặc mì gói sẽ không lo tức bụng vì đường xóc. Chiều về bạn có thể thưởng thức món rau quả vùng ôn đới có vị rất khác miền xuôi như rau mì chính, su su, su hào, nấm hương…
Đặc biệt rau ô dây vị hơi chua khá lạ miệng. Khoai Lệ Phố hay khoai Thượng Hải được quảng cáo mua từ Trung Quốc vừa bở vừa bùi nấu canh rất tuyệt. Ghé Lào Cai chớ quên nếm thử món cuốn sủi, một loại phở không nước mà chỉ rưới nước thịt bò nấu sệt trộn lạc, dong. Món thịt lợn và vịt quay mang âm hưởng Trung Quốc cũng khá ngon.
Một ngày ở Sa Pa có cả 4 mùa: Buổi sáng là mùa xuân, buổi trưa là mùa hạ, trời trong nắng vàng nhưng vẫn mát dịu. Buổi chiều mây và sương sã xuống trở nên se lạnh, cái lạnh của mùa thu. Về khuya, tiết trời lạnh rét như là mùa đông.
Cách Sa Pa 8 km về phía Tây Nam là đến bãi đá khắc cổ. Nơi đây là dấu ấn của người xưa còn chưa được giải mã. Những dòng chũ lạ, hình bản đồ dư địa chí, sơ đồ chiến trận… được khắc trên những hòn đá to nhỏ. Truyền thuyết dân gian cho đây là những giao ước, văn tự của một nền văn minh cổ đại.
Dãy núi có hình con rồng uốn lượn với cái đầu vươn cao hướng sang dãy Hoàng Liên là núi Hàm Rồng. Lên núi Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên của cảnh sắc mây trời, nào vườn lan, đỗ quyên đua nở. Vượt cổng trời một và hai là đến sân mây, mây ùn kín quanh người. Lên Hàm Rồng, du khách còn được thưởng thức và tham gia các sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian, xem điệu múa khèn mạnh mẽ, nghe tiếng đàn môi thầm thì, tiếng trống âm vang và lời mời của các sơn nữ đầy quyến rũ, tay nắm tay, bước vào vòng xoè đoàn kết.

Cách Sa Pa 8 km theo hướng Tây là đến Thác Bạc. Dòng nước tưởng chừng như con rồng trắng từ trên trời tuôn xuống tung bọt trắng xoá. Thác Bạc là thượng nguồn chính của dòng suối Mường Hoa. Xưa kia, trên những khúc suối này có nhiều cây cầu được tết bằng mây, trụ cầu là cây cổ thụ. Dự án cầu mây đang chờ đón các nhà đầu tư tái thiết.Cách Sa Pa hơn 10 km về hướng Đông Bắc là Tả Phìn với nhiều di tích. Đó là tu viện dòng Luyện Tâm xây dựng dở dang từ năm 1942 – 1944, bây giờ vẫn là công trình kiến trúc đồ sộ ở giữa vùng núi cao. Đó là miếu thờ người có công khai khẩn lập nên Tả Phìn, nơi mùa xuân có các nghi thức tưởng nhớ, nghi lễ ăn thề cố kết cộng đồng. Đặc biệt, động Tả Phìn kỳ ảo, đi sâu vào lòng núi, vượt qua những lối quang co, gập ghềnh sẽ đến nơi có các hình tiên múa hát, mang bầu và những hình thái khác của thiên tạo nằm sâu trong các thiên cung.
Ngoài các tua du lịch văn hoá dân tộc, du khách có thể đi theo tuyến du lịch sinh thái Tả Van – Séo Mí Tỉ – Dền Thàng hoặc từ Sa Pa đi Lao Chải – Tả Van đến Bản Hồ vào Thanh Phú – Nậm Sài. Tuyến Tả Van – Séo Mí Tỉ có những cánh rừng pơmu bạt ngàn, rừng thảo quả – đặc sản quý đã được đưa vào sách đỏ. Trong chuyến Bản Hồ, Thanh Phú có cảnh quan đẹp, với thung lũng rộng có suối bao bọc và những ngôi nhà với kiến trúc truyền thống nguyên sơ là nơi nghỉ ấm cúng cho du khách.
Từ Sa Pa đi thăm chợ phiên Bắc Hà, có thể nghỉ ở khách sạn Trần Xìn đối diện chợ. Tại đây bạn nên thưởng thức món khâu nhục – thịt lợn ba chỉ thái miếng to trùm lên trên bát lớn đựng rau dưa chua và vị thuốc hấp nhừ. Chợ Simacai nổi tiếng với món thắng cố, một dạng thập cẩm thịt, da và xương các loài ăn cỏ như ngựa, bò, dê…
Nước, bia, thuốc lá là các món đắt hơn miền xuôi và giá tăng gấp rưỡi khi dùng tại bản cũng như Bắc Hà. Có thể dùng bia hơi địa phương, giá và hương vị chấp nhận được. Nếu muốn sát trùng bao tử nên dùng rượu ngô Bản Phố nấu từ ngô bắp và men chế biến theo công thức bí truyền của người H’mông, có nồng độ trên 40 độ.
Nên mua vừa làm quà vừa làm thuốc an thần khi qua con dốc Trung Đô giữa Sa Pa và Bắc Hà, 14 km cheo leo gấp khúc mà trên đỉnh thường phủ sương muối dày đặc, pha đèn chỉ thấy mờ mờ phía trước vài mét. Nên mang theo đủ áo ấm và áo mưa, loại có thể nhanh chóng mặc vào cởi ra. Vì bạn sẽ trải qua tình trạng đang nếm gió Lào rát mặt dưới chân đèo, lên giữa chừng đèo lại hứng cái lạnh cắt da và có khi hưởng thêm mưa đá…
Ở Sa Pa không thể bỏ qua núi Hàm Rồng nhiều hoa cỏ cây thích hợp cho các cặp đang yêu. Cổng Trời thường được quảng cáo có mây luồn nhưng nếu không đủ kiên nhẫn chờ đợi thì nên quay về bản Cát Cát, Sín Chải thăm thủy điện thời Pháp và mua thổ cẩm trong nhà dân địa phương tại đây. Ngủ đêm trên bản có thể chọn Bản Hồ – Thạnh Phú. Thăm động Tả Phìn có người Dao Dỏ và động đá sâu.
Có tour chinh phục Phanxipăng đang thử nghiệm khai thác, chào giá 300.000 đồng/người. Tàu hoả quay về Hà Nội sẽ xuất phát từ Lào Cai lúc 19h và 4h sáng hôm sau sẽ tới nơi.