Du lịch biển Việt Nam: Vẫn là bị động với biển

Với Quy hoạch tổng thể du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch biển được xem như một hướng phát triển ưu tiên. Ở một quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, hướng ra phía biển là một điều tất yếu. Thu nhập từ du lịch biển cũng chiếm gần 60% doanh thu du lịch cả nước. Tuy nhiên, nếu dựa theo tiêu chí thương hiệu mạnh là có sản phẩm chất lượng và thương hiệu có tính đặc thù, thì du lịch biển Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn “chuẩn bị ra khơi”.

Ðến biển chỉ có tắm
Sự thiếu vắng các sản phẩm đặc trưng khiến du lịch biển Việt Nam vẫn là một bức tranh nhờ nhờ mà ở đó, du khách ngoài tắm biển, chưa hình dung ra được mình sẽ được thưởng thức điều gì. Nha Trang (Khánh Hòa) đang được xem như địa phương biết khai thác thế mạnh biển của mình làm du lịch nhất vì có nhiều sản phẩm ngoài các bãi tắm như các tour tham quan các đảo, các chương trình lặn biển, đi câu, tham quan hồ cá, Viện Hải dương học, các hoạt động vui chơi trong các khu nghỉ dưỡng… Các tour, tuyến du lịch được phát triển dựa vào sự năng động của các công ty du lịch, chứ không đi theo một mục tiêu chung nào. Vậy mới có chuyện tour du lịch sông Cái ở đây lúc mới mở thì các bên lao vào, nhưng hạ tầng cơ sở như cầu tàu, điểm đến không được đầu tư, kết quả tour này chết dần…

Du lịch biển Việt Nam, vẫn đang tận dụng vẻ đẹp tự nhiên sẵn có để làm một điểm tham quan chứ không phải là điểm nghỉ dưỡng dài hơi. Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội than thở rằng, công ty của chị khi đưa khách quốc tế đi du lịch biển thường rất khó thuyết phục người ta ở lại lâu. Chỗ cơ sở hạ tầng tốt, bãi biển đẹp thì người ta cứ chăm chăm theo hướng cao cấp hóa, khách bình dân khó ở lâu dài. Chỗ thì chẳng có dịch vụ gì ngoài bãi biển để ngắm. Lợi thế hoang sơ và tự nhiên rõ ràng đang dần mất đi. Ở Khánh Hòa, vịnh Vân Phong đã bị xếp vào loại ‘vịnh chết’, biển Nha Trang thì đang có nguy cơ bị băm nát bởi những khu nghỉ cao cấp xây sát bãi biển, thậm chí đây còn được xem như niềm tự hào của du lịch thành phố, là ‘đặc trưng’ của du lịch Nha Trang như lời của chính Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Khánh Hòa Nguyễn Văn Thành.
Phú Yên, địa phương chủ nhà của Năm du lịch quốc gia vẫn là một vùng ‘tiềm ẩn’ với du lịch. Ðừng nói sản phẩm đa dạng, ngay cả cơ sở hạ tầng Phú Yên cũng tỏ ra chưa đáp ứng được nhu cầu khi mà cả tỉnh chỉ có khoảng 2.500 buồng, phòng đạt tiêu chuẩn, đủ để phục vụ khoảng 5.000 lượt khách. Vùng biển duyên hải Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những nơi đã được khai thác du lịch từ lâu, đang loay hoay với bài toán môi trường và tìm sản phẩm mới. Hình ảnh bãi tắm đẹp đã không còn là con bài chủ của những nơi này, trong khi sản phẩm khác thì chưa được hoàn thiện hoặc vẫn còn gây lo ngại cho du khách. Như Hạ Long, sau hai vụ chìm tàu tháng 2 và tháng 5, quy định đầy đủ về siết chặt quản lý hoạt động tàu du lịch vẫn chưa thể có hiệu lực bởi hầu hết các tàu đều không đạt chuẩn. Hồi tháng 5, Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững có đưa ra nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch biển từ cát, muối, rác. Nếu kế hoạch được triển khai, đây cũng là một hướng đi hay, ít ra, nó cho thấy cần phải nghĩ khác đi khi xây dựng sản phẩm như thông điệp ‘xây dựng góc nhìn mới từ nguồn tài nguyên cũ’.
 
Có phải đâu cũng là biển, là cá là tôm?
 
Ðiểm yếu của du lịch Việt Nam, luôn là vấn đề định vị thương hiệu. Trong số các địa phương có biển, Hạ Long đang trong quá trình dốc toàn lực cho việc bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới, hình ảnh du lịch biển của Quảng Ninh được tập trung hết cho kỳ quan này. Bình Thuận cũng đã bắt đầu hình thành nên một hình ảnh riêng, là thủ đô resort với mục tiêu tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng trong các khu cao cấp. Nha Trang đang chăm chút cho thương hiệu một đô thị biển phát triển du lịch MICE (du lịch sự kiện). Số còn lại, vẫn loay hoay tìm đặc điểm. Lý giải cho sự na ná nhau ở các vùng biển, ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho rằng, sự chồng chéo ý tưởng là điều không tránh khỏi ‘Ðâu cũng là biển, là mực, là cá, là tôm, không thể tránh chồng chéo được đâu’. Chưa kể, dù có một đường bờ biển dài, chúng ta vẫn chưa có một khu du lịch biển tổng hợp tầm cỡ Phu-ket (Thái-lan), Ba-li (In-đô-nê-xi-a), hay như Jeju (Hàn Quốc).
 
TS Trần Ðức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Ðà Nẵng cho rằng, những chính sách về biển được thực thi trong thời gian qua dường như tập trung đầu tư về vốn và kỹ thuật cho khai thác biển, mà chưa chú ý xây dựng và bảo tồn nền văn hóa biển. Thực tế, ngay cả trong phát triển du lịch, nền văn hóa cận duyên của người Việt chưa được khai thác đúng mức. Ðiều đó khiến cho thương hiệu các vùng biển khó hình thành được đặc trưng. Trong Năm du lịch quốc gia 2011, năm du lịch biển, hơn 30 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức liên tục tại các địa phương có biển như Bình Thuận, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Khánh Hòa… Ðiều này cho thấy hướng phát triển của du lịch biển các địa phương này bắt đầu được mở rộng, phát triển du lịch gắn với văn hóa biển. Trong định hướng phát triển du lịch theo vùng của Quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bốn vùng du lịch có biển đều xác định phải kết hợp với du lịch tham quan di tích, kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa từng vùng. PGS, TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng nhận định ‘Phương pháp thông thường để xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch cho một địa phương là dựa vào vốn văn hóa, quảng bá văn hóa’. Nền văn hóa đặc trưng từng vùng sẽ làm nên thương hiệu riêng biệt của các địa phương. Nhưng mặc dù xác định du lịch cộng đồng là du lịch bền vững, rằng du lịch phải gắn liền với văn hóa cộng đồng, các kế hoạch phát triển, các tour tuyến du lịch biển mới chỉ là khai thác tiềm năng địa phương chứ chưa phải kéo người dân địa phương cùng làm du lịch.
 
GS, TS Trần Ngọc Thêm, Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, trong chiến lược biển, chúng ta cần phải chủ động hơn nữa với biển. Ðiều này cũng đúng cả với phát triển du lịch. Nếu cứ bị động với biển, du lịch Việt Nam không thể nào thoát cảnh tiềm ẩn.