Du lịch Cát Bà: Chú trọng phát triển bền vững

Du lịch Cát Bà đang trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch với hơn 1,2 triệu khách trong năm 2011 vừa qua. Lượng khách tăng, địa bàn núi đồi, sông nước hiểm trở, dân cư thưa thớt đang đặt ra bài toán cân đối trong phát triển hạ tầng du lịch theo kịp yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhiều công trình mới, hiện đại được đầu tư xây dựng nhằm cải thiện hạ tầng du lịch nơi đây, song thực tế còn nhiều khó khăn để đầu tư, xây dựng những công trình xứng tầm.

Hàng loạt công trình mới

Những năm gần đây, với sự quan tâm của trung ương và thành phố, hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ở huyện đảo Cát Hải được đầu tư mạnh mẽ. Hệ thống cấp nước cho khu du lịch Cát Bà với dự án cấp nước sạch Cát Bà giai đoạn 1 hoàn thành là một trong những kết quả nổi bật góp phần giải quyết cơ bản tình trạng khan hiếm nước ngọt ở khu du lịch Cát Bà, đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch hè. Việc thành phố đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt Trân Châu, dự án công trình thủy lợi và hồ chứa nước xã Xuân Đám là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Riêng hồ chứa nước ngọt Trân Châu cung cấp hơn 450 nghìn m3/năm cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt ở khu du lịch Cát Bà.

Đến khu du lịch Cát Bà, một điều dễ nhận ra là hệ thống giao thông phục vụ phát triển du lịch tương đối yên tâm. Ngoài tuyến đường trung tâm du lịch 1-4; đường Núi Ngọc và Hà Sen được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả nhiều năm nay, một số dự án giao thông quan trọng mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong đó đường du lịch Gia Luận- Vườn Quốc gia; đường du lịch Vườn Quốc gia- thị trấn Cát Bà vừa góp phần phục vụ người dân trên đảo đi lại thuận tiện, vừa hiệu quả trong phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái cho các xã xa trung tâm huyện như Xuân Đám, Trân Châu, Gia Luận… Dự án mở rộng đường xuyên đảo đoạn Cái Viềng- Mốc Trắng và giai đoạn 2 dự án mở rộng đường Khe Sâu-Áng Sỏi được huyện và các ngành chức năng tập trung triển khai. Đây là hai dự án quan trọng nhưng gặp không ít khó khăn do địa hình núi đối hiểm trở, khiến  các đơn vị thi công thường xuyên phải linh hoạt, sáng tạo trong phá đá, vận chuyển vật liệu, máy móc làm đường.

Dự án Đường điện 110KV Chợ Rộc-Cát Bà đang trong quá trình triển khai nhưng mỗi người dân Cát Bà đều ý thức được tầm quan trọng và tạo ra bước ngoặt phục vụ phát triển du lịch huyện đảo. Khi hoàn thành, hệ thống điện ở khu du lịch Cát Bà không những hạn chế cơ bản tình trạng mất điện vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần mà còn giải quyết cơ bản tình trạng tốn kém, lãng phí do phải đầu tư máy nổ dự phòng và nhất là sự than phiền của du khách về một khu du lịch bất cập cả về nguồn điện và nước sinh hoạt.

Đặc biệt, hàng loạt dự án phát triển du lịch được các nhà đầu tư triển khai ở Cát Bà. Trong đó, một số dự án đã và đang hình thành, hoặc đưa vào hoạt động như bến phà du lịch Gia Luận- Tuần Châu; khu đô thị du lịch Cái Giá với hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng bãi tắm Tùng Thu. Hàng loạt các khách sạn cao cấp được xây mới như khách sạn Sea pearl; Hùng Long và hàng chục khách sạn đang được đầu tư, nâng cấp cả về số lượng phòng nghỉ và chất lượng dịch vụ, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Đầu tư chọn lọc, tránh dự án treo

Những năm gần đây có hàng chục dự án lớn đầu tư phục vụ phát triển du lịch Cát Bà. Ngoài các dự án đang triển khai kể trên, hàng loạt dự án, công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch khác cũng đang được thúc đẩy như khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Xuân Đám; khu du lịch sinh thái Cát Cò 2; khu du lịch sinh thái quốc tế GICO xã Xuân Đám; công trình xây dựng đường Tùng Dinh thị trấn Cát Bà; khu du lịch sinh thái Quốc Hưng xã Hiền Hào; hệ thống thoát nước thải… Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các khu vui chơi, giải trí, các khách sạn cao cấp để phục vụ cho ngành du lịch. Tuy nhiên, huyện kiên quyết từ chối các dự án đầu tư ảnh hưởng đến môi trường, các nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính hoặc có ý định chuyển nhượng, đặt chỗ. Đặc biệt, huyện kiến nghị thành phố thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch.

Một trong những quyết tâm được hiện thực hóa là huyện đặt mốc thời gian theo từng quý để hoàn thành mục tiêu giải phóng mặt bằng các dự án phát triển du lịch đang triển khai trên địa bàn. Chẳng hạn như trong quý 2 hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường điện 110KV Chợ Rộc- Cát Bà; dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái và thể thao leo núi Liên Minh, Trân Châu. Tuy nhiên, để phục vụ phát triển du lịch Cát Bà bền vững, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, theo Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa, huyện đề nghị thành phố tiếp tục ­ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho huyện Cát Hải như­ đẩy nhanh việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải khu vực đảo Cát Bà để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Đề nghị thành phố quan tâm đầu tư một số công trình trọng điểm: xây dựng mới cầu tàu Bến Bèo thành Cảng du lịch Bến Bèo, dự án kéo dài cầu tàu Cát Bà; làm mới tuyến đường Ngã ba Áng Sỏi- Khu I Cát Bà và triển khai dự án đường đấu nối Khu I- Tùng Dinh, thị trấn Cát Bà…