Hà Nội: Chú trọng phát triển du lịch xanh

Tại buổi tổng kết công tác du lịch Hà Nội sáu tháng đầu năm và phương hướng hoạt động sáu tháng cuối năm, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, thành phố khuyến khích phát triển các dự án du lịch, dịch vụ cũng như vận chuyển xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Những sản phẩm du lịch xanh đặc sắcPhó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du Lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Ba Vì hiện nay là một trong hai trọng điểm phát triển du lịch xanh ở Hà Nội. Có tiềm năng phong phú về du lịch tâm linh, du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng…, nhưng du lịch sinh thái là thế mạnh rõ rệt nhất của Ba Vì, là nơi có khả năng thu hút khách du lịch sinh thái lớn nhất, với nhiều nguồn gien phong phú được bảo tồn, với những chuyên đề bảo tồn độc đáo như xương rồng, tre, trúc, cau… Vườn quốc gia Ba Vì có một đội ngũ kỹ sư lâm nghiệp yêu nghề, am hiểu sâu và sẵn sàng giải thích cho du khách biết về những điều thú vị trong chuyên môn của mình. Ông Tiến cho biết: “Bản thân chúng tôi khi đến đó, được nghe giới thiệu cũng thấy thú vị. Sở đã xác định Vườn quốc gia Ba Vì là cốt lõi để phát triển du lịch sinh thái ở Ba Vì”.
Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động du lịch chung quanh khu vực Ba Vì lại có tính chất bổ trợ rất tốt, chẳng hạn như phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi cuối tuần của người dân Hà Nội. Ông Tiến cho rằng: “Hiện, các sản phẩm chưa phong phú, mới chỉ là bước đầu, cần phải nâng cao hơn nữa về giới thiệu sinh thái, phục vụ ăn nghỉ, vui chơi giải trí cho khách, quản lý, phục vụ du khách”.
Bên cạnh đó, một trong những tour du lịch được thử nghiệm thành công nhất là làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho hay, Hanoitourist đã cùng với một số đơn vị kinh doanh lữ hành có tiếng khác của Hà Nội xây dựng thí điểm dự án du lịch làng cổ Đường Lâm, với chín ngôi nhà cổ được lựa chọn để sửa sang, nâng cấp phục vụ du lịch.
Các nhân viên của dự án đã cùng với chủ nhà chọn từng viên gạch, viên ngói, lựa từng loại vật liệu, chăm chút từng chi tiết của căn nhà… những việc trước đây họ chưa quen làm. Không chỉ nhằm giữ nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính, các nhân viên còn giúp chỉnh trang, nâng cấp sao cho căn nhà đó tiện nghi hơn, phục vụ du khách tốt hơn và khiến cho sinh hoạt hàng ngày của chính chủ nhân của những căn nhà đó cũng thoải mái hơn. Các chủ nhà cũng được tham gia một lớp huấn luyện về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phục vụ du khách, cách làm hướng dẫn viên du lịch ngay trong ngôi nhà của mình, rồi về trang phục, ẩm thực, kinh doanh hàng lưu niệm và đặc sản địa phương…
Ông Lưu Đức Kế cho biết, đến nay, dự án đã được đông đảo du khách ủng hộ, còn người dân thì rất hứng thú vì có thêm sinh kế ổn định lâu dài. Đây chỉ là một trong rất nhiều dự án du lịch xanh đã hoạt động thành công ở Hà Nội.
Những dự án sắp tới
Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Hà Nội đang triển khai một số sản phẩm “du lịch xanh” mới như city tour (quận Hoàn Kiếm), homestay, du lịch sinh thái (Sóc Sơn), du lịch tâm linh, du lịch ăn nghỉ tại nhà dân (huyện Ba Vì)… Các tour này đều thu hút sự chú ý của khách nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu. Sở cũng đang tính đến việc sẽ mở thêm một điểm du lịch homestay nữa tại bản của người Dao, thuộc huyện Ba Vì với chương trình ăn nghỉ tại nhà sàn của người Dao, tắm thuốc bắc. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Ông Dũng cũng cho hay, Hà Nội đang khuyến khích các sản phẩm du lịch khai thác yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường, cả tự nhiên và nhân văn. Hiện nay, sau thành công của tour du lịch xe điện quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, sắp tới, dự kiến vào đầu tháng 9, một tour du lịch mới bằng xe điện quanh Hồ Tây, chạy theo khoảng 19km đường dạo ven hồ sẽ được đưa vào khai thác.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng xe chở khách thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp lưu trú sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và giảm lượng hoá chất trong phục vụ…
Ông Mai Tiến Dũng khẳng định, những dự án du lịch xanh này đi vào hoạt động, sẽ đem lại lợi ích kép cho Hà Nội. Đó là không chỉ phát triển kinh tế lâu dài, thu lợi nhuận bền vững mà còn tạo nên một hình ảnh Hà Nội thật đẹp trong mắt du khách, điều mà du lịch Hà Nội đang rất cần hiện nay.