Hãng hàng không Air Mekong cất cánh ngày 10/10/2010

Hãng hàng không tư nhân thứ ba tại Việt Nam vừa nhận 4 tàu bay tại sân Tân Sơn Nhất sáng 15/8 để chuẩn bị cho việc khai thác các chặng bay nội địa.

Khoảng 12h30, chiếc Bombardier loại CRJ-900 mang trên mình thương hiệu Air Mekong đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cũng giống như hình ảnh của chiếc máy bay bị rò rỉ gây xôn xao cư dân mạng hồi đầu tháng 7.

Đây là loại tàu bay do Canada sản xuất và được Air Mekong thuê từ Mỹ, gồm 90 ghế trang bị động cơ phản lực, tầm bay hơn 2.800 km, đường băng tối thiểu cho máy bay hạ cất cánh là 1.600 m. Phía Air Mekong cho biết loại tàu bay có thể khai thác hầu hết các sân bay Việt Nam. Trên thế giới có khoảng 1.500 máy bay Bombardier CRJ được các hãng hàng không khai thác.

Hiện, hãng hàng không tư nhân này đang hoàn tất các thủ tục theo tiêu chuẩn cấp chứng chỉ nhà khai thác (AOC) của Việt Nam.

“Cục hàng không Việt Nam đang tiến hành các thủ tục theo quy định và trong tháng 9 sẽ hoàn tất việc kiểm tra, đánh giá. Dự kiến, Air Mekong bắt đầu bán vé từ giữa tháng 9 và cất cánh vào ngày 10/10 năm nay”, thông cáo báo chí từ Air Mekong khẳng định.

Theo kế hoạch, Air Mekong sẽ bay các chặng Hà Nội, TP HCM đến Phú Quốc; Hà Nội, TP HCM đến Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Hãng cũng xin phép bay tuyến TP HCM – Côn Đảo, Buôn Mê Thuột, Hải Phòng, Vinh.

Để chuẩn bị cho việc khai thác. Air Mekong đã tuyển hơn 40 phi công và đang trong quá trình đào tạo 50 tiếp viên tại Học viện hàng không Việt Nam.

Công ty cổ phần Mekong (Air Mekong) được thành lập năm 2009, là hãng tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau VietJet Air và Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines). Thị trường hàng không nội địa đang được khai thác bởi Vietnam Airlines, Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) và Jetstar Pacific. Trong khi đó, Indochina Airlines đã ngừng bay vào cuối tháng 10/2009, chỉ sau chưa đầy một năm khai thác.