Khám phá vịnh Xuân Đài – Phú Yên

Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Lắm, vũng nào cũng thương. Đấy là câu ca dao mà người dân địa phương dùng để nói về vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Một vịnh khá đẹp và đang chờ du khách đến khám phá.

Ngược về lịch sử…

Từ cảng cá Dân Phước (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), trên ba chiếc thuyền, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hải trình khám phá vịnh biển quyến rũ này. Trong vịnh biển thật êm, hướng dẫn viên giới thiệu về những nơi mà thuyền đi qua. Nhờ vậy mà chúng tôi hiểu thêm về nguồn gốc của các tên gọi cũng như những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên vịnh Xuân Đài.

Vịnh Xuân Đài (còn có tên gọi là vịnh Bà Đài) có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, được hình thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển tạo thành bán đảo Xuân Thịnh bao bọc lấy vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông trông giống hình đầu con kỳ lân. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như vũng La, vũng Sứ, vũng Chào… và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Theo Đại Nam nhất thống chí: “Phá Xuân Đài ở phía bắc huyện Đồng Xuân, phía đông giáp biển, phía tây giáp cửa biển Vũng Lắm, phía bắc có vũng La, vũng Sứ và vũng Chào. Lại đầm Xuân Đài có tên nữa là đầm Phòng Câu ở thôn Tiên Châu”.

Năm 1597, theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng, Thượng tướng quân Lương Văn Chánh đem lưu dân và quân lính vào khai phá Phú Yên cuối thế kỷ 16. Trong quá trình phát triển, vịnh Xuân Đài từng là thương cảng quan trọng của miền Trung, cũng là căn cứ phòng thủ chiến lược, nơi đã diễn ra những trận thủy chiến lớn giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn. Năm 1887, tòa công sứ Pháp được đặt tại đây. Xuân Đài cũng là nơi đặt nền móng ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: năm 1832, vua Minh Mạng cử Viên Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức làm việc với phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Andrew Jackson cử đến Vũng Lắm. Cũng tại đây, vào tháng 4-1945, tàu hải quân Nhật bị máy bay Đồng minh bắn chìm, nhiều di vật lịch sử như súng thần công cũng đã được tìm thấy tại Xuân Đài.

Để đánh thức Xuân Đài…

Ngày 28-3-2011, vịnh Xuân Đài đã được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, khi thuyền đi qua nơi đây chúng tôi thấy Xuân Đài còn nguyên vẹn nét hoang sơ.

Vịnh Xuân đài từ lâu đã được ví như nàng công chúa hãy còn đắm chìm trong giấc mộng đẹp và đang chờ một vị hoàng tử đến đánh thức. Trên đất nước ta không hiếm cảnh đẹp, nhưng dường như mỗi nơi có một vẻ khác biệt tạo nên sắc thái riêng. Và vịnh Xuân Đài cũng mang cho mình một gương mặt rất riêng mà khi nhìn vào người ta có cảm giác mình đang đắm chìm trong đôi mắt u huyền của một thiếu phụ.

Thuyền đến giữa vịnh, trong mắt chúng tôi giờ chứa đầy núi non trùng điệp, biển nước mênh mông và mây trời bao la. Toàn vịnh như được bao bọc bởi những cánh tay của núi nên mọi người có cảm giác rất bình an. Thi thoảng trên thuyền rộn rã tiếng cười từ những câu chuyện hài hước, hay tiếng vỗ tay giòn tan sau mỗi tiết mục văn nghệ hát cho nhau nghe, cả vẻ mặt chăm chú lắng nghe những lời thuyết minh về từng tên gọi ở vịnh Xuân Đài như: gành Đèn, gành Đen, gành Đỏ, cù lao Ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn…

Điểm dừng của chúng tôi là bãi Ôm để tắm biển ngắm san hô. Thuyền vừa đến đây đã rộn rã tiếng cười của du khách khi nghe anh hướng dẫn viên dí dỏm kể truyền thuyết bãi Ôm. Đây dường như là mô hình thu nhỏ của vịnh Xuân Đài vì bãi Ôm nằm yên ả trong vòng tay của núi. Nhưng ở đây có cái kỳ vĩ là sự hiện diện của các vách đá ở hai bên cửa bãi, điều này báo hiệu những điều thú vị ở phía trước và ở dưới đáy biển đang đợi du khách khám phá.

Biển lúc này dường như cũng đang chiều lòng người nên nhẹ nhàng cho những con sóng nhỏ nhẹ đón tiếp du khách. Nắng cũng vàng hơn, như thế sẽ ngắm đáy biển được rõ hơn.

Ngồi thuyền gần cả tiếng đồng hồ nên khi vừa thả chân trần lên dải cát mịn màng ai cũng reo lên thích thú. Liền sau đó khẩn trương chuẩn bị cuộc khám phá đáy đại dương nên trông ai cũng háo hức. Mát lạnh! Đấy là cảm giác tuyệt vời đầu tiên khi nhảy ào xuống biển mà vẫy vùng. Có một vài du khách do không quen lặn kính nên khi vừa ngụp xuống phải vội ngoi đầu lên vì… sợ! Khi xuống nước, nếu ta đeo kính lặn thì sẽ thấy rõ hơn nhờ kính phóng to kích thước mọi vật nên nếu ai lần đầu tiên đeo kính lặn sẽ không tránh khỏi cảm giác sợ hãi!

Những vùng biển khác, để ngắm được san hô người ta phải lặn sâu xuống nước hoặc đi tàu có đáy kính, hoặc thúng đáy kính. Như thế tuy thấy được san hô nhưng du khách mất đi cảm giác thực, chưa được thỏa lòng lắm. Còn ở bãi Ôm, vì san hô ở sát bờ và nước cạn nên việc khám phá những rạn san hô rất dễ dàng và mang nhiều cảm xúc rất thật. Đấy là chưa kể người lặn còn được tận tay sờ vào những hoa, những đụn san hô và thấy được màu sắc rực rỡ của san hô. Du khách còn bắt gặp nhiều đàn cá với những màu sắc như tô vẽ tung tăng bơi lội sát người. Nếu việc ngắm san hô cho ta khám phá nhiều điều mới mẻ thì việc chụp bắt cá đem lại cho ta cảm giác thật sảng khoái dù… chẳng chụp được con cá nào!

Nước ở bãi Ôm không sâu lắm nên san hô ở đây cũng có cái khác. Chúng được mọc ra từ những rạn đá của núi ăn sâu ra biển khoảng vài chục mét. Vì chúng mọc ra trên những rạn đá như thế, nên khi ta lặn xuống đáy sẽ dễ dàng ngắm toàn bộ cây hoặc đá san hô. Nơi đây cũng thu hút nhiều sinh vật biển đến sinh sống như cá nhỏ, ốc, và một vài sinh vật phù du…

Và thêm yêu biển đảo

Trong bối cảnh tình hình biển đảo đang nóng lên hiện nay thì những chuyến đi như thế này thật ý nghĩa. Nó không chỉ giúp ta khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của biển đảo mà còn giúp ta càng thêm yêu mến những cảnh đẹp của đất nước. Qua đó càng ý thức rõ hơn việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.