“Ngóng” trần giá vé hàng không mới

Các hãng hàng không trong nước đang chờ Bộ Tài chính bổ sung khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cho đường bay có cự ly từ 1.280 km trở lên.

Cuối tuần qua, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính bổ sung khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông áp dụng cho đường bay có cự ly từ 1.280 km trở lên vào Khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế hoạt động độc quyền do Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 387/QĐ – BTC hồi cuối tháng 2/2010.

Đây là thông tin mà hai hãng hàng không đang khai thác 2 đường bay có cự ly lớn hơn 1.280 km là Vietnam Airlines (khai thác chặng bay Hà Nội – Cần Thơ) và Air Mekong (khai thác chặng bay Hà Nội – Phú Quốc) thực sự ngóng chờ.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức tối đa khung giá cước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho loại vé phổ thông đối với cự ly từ 1.280 km trở lên là 2.272.727 đồng/chiều. Như vậy, với đường bay thẳng Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Cần Thơ, các hãng hàng không có thể bán vé tối đa gần 2,5 triệu đồng đã tính thuế và lệ phí.

Nếu đề nghị trên được thông qua, Khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế hoạt động độc quyền sẽ được áp dụng cho 5 cự ly vận chuyển. “Với việc ban hành khung giá cước cho chặng bay cự ly 1.280 km trở lên, ngoài việc các hãng hàng không có cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí, thì hành khách cũng được hưởng lợi do có thêm đơn vị tham gia khai thác đường bay”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Trước đó, tại Quyết định số 387/QĐ – BTC, Bộ Tài chính ấn định giá trần cho các chuyến bay có cự ly dưới 300 km là 682.000 đồng (đã làm tròn số); từ 300 km đến dưới 500 km là 864.000 đồng; từ 500 km đến dưới 850 km là 1,182 triệu đồng, từ 850 km trở lên là 1,819 triệu đồng. Ngoài việc để kiểm soát giá cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, khung giá cước còn là cơ sở để các hãng hàng không quy định mức giá cụ thể trên các đường bay và điều kiện áp dụng theo phương thức đa dạng giá vé.

Được biết, do chưa có khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cho các cự ly lớn hơn 1.280 km, nên Air Mekong và Vietnam Airlines đang phải xây dựng giá vé chặng bay Hà Nội – Phú Quốc và Hà Nội – TP. Cần Thơ trên cơ sở khung giá cước của cự ly từ 850 km trở lên.

Theo Air Mekong, giá vé mà Air Mekong áp dụng cho đường bay Hà Nội – Phú Quốc, chặng bay dài nhất Việt Nam (1.550 km), vẫn nằm trong khung phê duyệt của Bộ Tài chính và Bộ GTVT cho đường bay Hà Nội – TP.HCM, là 2,1 triệu đồng (bao gồm thuế VAT, phí sân bay). “Mức giá này chưa thể hiện hết các chi phí hợp lý của Air Mekong đối với đường bay Hà Nội – Phú Quốc, nên chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành mức trần giá vé cho đường bay này. Tất nhiên, mức giá mà Air Mekong áp dụng cho đường bay thẳng Hà Nội – Phú Quốc trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ rẻ hơn 2 chặng bay gộp lại”, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Air Mekong cho biết.

Cũng phải nói thêm rằng, việc phải áp dụng giá trần cự ly vận chuyển từ 850 km trở lên cho đường bay Hà Nội – Cần Thơ có cự ly lớn hơn 1.280 km là nguyên nhân khiến Jetstar Pacific dừng khai thác đường bay này chỉ sau 4 tháng khai thác vì thua lỗ.

Mặc dù Quyết định số 387/QĐ – BTC ghi rõ mức giá trần áp dụng cho các đường bay có tính độc quyền, nhưng trên thực tế, các hãng hàng không đang lên kế hoạch áp dụng khung giá này cho cả các đường bay có tính cạnh tranh, cụ thể là các đường bay Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Hải Phòng…

Lý giải cho sự “lệch pha” này, đại diện một hãng hàng không cho biết, các quy định hiện hành tại Luật Hàng không dân dụng chưa hướng dẫn cụ thể và cũng chưa có cơ quan nào công bố đâu là đường bay độc quyền, đâu là đường bay cạnh tranh…, nên chưa hãng nào thực hiện việc bỏ trần giá vé trên các đường bay cạnh tranh.