Tầm nhìn Phú Quốc

Tháng 11, vào mùa du lịch. Du khách đến với Phú Quốc (Kiên Giang) rất đông. Tàu Superdong III sức chứa hơn 300 hành khách không còn một chỗ trống. Trên hành trình hơn 100 km từ Rạch Giá, có nhiều du khách lần thứ hai, thứ ba đến Phú Quốc. Khi hỏi cảm nhận, mọi người có cùng nhận xét: Phú Quốc đã đổi thay nhiều.

Ðúng lịch trình, sau hai giờ ba mươi phút, tàu kéo hồi còi chuẩn bị cập cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh), một trong ba cảng biển được đầu tư bề thế ở Phú Quốc. Ðứng trên boong tàu nhìn ra đảo Phú Quốc như một con rồng xanh nổi bềnh bồng trên biển. Nhiều du khách ngạc nhiên, thích thú ngắm nhìn bãi cát trắng mịn thoai thoải và làn nước xanh trong vắt. Phú Quốc từ lâu đã nổi tiếng với những đặc sản như ngọc trai, hồ tiêu, nước mắm… Các di tích, danh thắng như: Nhà lao Cây Dừa, đền thờ Nguyễn Trung Trực, Dinh Cậu, lăng ông Nam Hải, Giếng Ngự, suối Tranh, suối Tiên, suối Ðá Bàn, mũi Ông Ðội… Ðặc biệt là những khu rừng nguyên sinh cùng những bãi biển cát trắng uốn lượn trải dài, nước xanh trong và những hòn đảo nhỏ còn hoang sơ với những truyền thuyết ly kỳ… có sức hấp dẫn lớn du khách gần xa và các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Lợi thế của Phú Quốc trong phát triển du lịch đã rõ, nhưng một thời gian dài chưa được khai thác. Cơ sở hạ tầng yếu kém, cách quản lý và lối suy nghĩ cục bộ địa phương, cùng những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý sử dụng đất là nguyên nhân kìm hãm quá trình phát triển của hòn đảo xinh đẹp này. Ðầu những năm 2000, Phú Quốc chưa có sự đổi thay nào đáng chú ý. Trên đảo vẫn chỉ một con đường vừa nhỏ vừa cua, dốc, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, còn lại chỉ là những lối mòn xuyên rừng núi. Người dân làm du lịch theo kiểu “cây nhà lá vườn” nên không níu chân và không để lại ấn tượng gì cho du khách.

Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 như “luồng gió mới ” đưa đến những đổi thay nhanh chóng. Theo  Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban quản lý đầu tư phát triển (QLÐTPT) đảo Phú Quốc Văn Hà Phong, từ Quyết định 178, Phú Quốc được sự hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ngành Trung ương trong việc ban hành các khung pháp lý về quy hoạch, quy chế tổ chức, hoạt động; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, chế độ tài chính và thủ tục hải quan. Phú Quốc được quan tâm bố trí vốn từ ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ và được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan trực thuộc bộ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu. Bộ máy được tăng cường, quy chế điều hành linh hoạt hơn. Phú Quốc đã làm tốt việc hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố về đầu tư phát triển, thu hút khá nhiều nguồn lực. Ngoài ra, còn được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở. Với những điều kiện thuận lợi và cơ chế thông thoáng, Phú Quốc trở thành một trong những địa điểm lý tưởng thu hút các nhà đầu tư và một số vốn rất lớn đã đổ vào Phú Quốc. Theo Ban QLÐTPT đảo Phú Quốc, đến nay, huyện đảo này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 75 dự án, với tổng vốn 52.337 tỷ đồng, trong đó có 49 dự án nằm trong các khu chức năng theo quy hoạch. Hiện số dự án đang hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 179 dự án.

Nhà đầu tư và du khách đến với Phú Quốc ngày một đông, thúc đẩy phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, các cơ sở lưu trú. Nơi đây có khá nhiều khu du lịch nghĩ dưỡng, resort cao cấp nằm ngay bên cạnh những bãi biển thơ mộng. Nhiều công trình phục vụ khách du lịch cũng đang gấp rút triển khai song song với các công trình hạ tầng, cùng hẹn thời gian về đích là năm 2012. Chúng tôi đến thăm dự án lớn, quan trọng và đang có tiến độ thi công nhanh nhất là Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Với quy mô 905 ha, tổng vốn đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, các hạng mục chính của công trình như: đường hạ-cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách đang triển khai xây dựng khẩn trương. Ông Ðặng Hải Nam, Chỉ huy phó công trình cho biết: “Hiện chín gói thầu nằm trong dự án Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc có khối lượng thực hiện đạt hơn 60%. Do dự án xây dựng bằng nguồn vốn tự có, cho nên không bị ảnh hưởng nhiều của tình hình khó khăn chung, bảo đảm tiến độ, có thể đến cuối năm 2012 đưa vào khai thác”. Ðặc biệt, Phú Quốc đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 11 khu tái định cư với diện tích 304 ha. Tại khu tái định cư 10,2 ha phía bắc sân bay Phú Quốc, nhiều hộ dân đã di dời đến ở, cơ sở hạ tầng  bảo đảm, đáp ứng tốt cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

 Ðối với các công trình giao thông, Phú Quốc đang triển khai hàng chục gói thầu, với tổng nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên duy nhất có tuyến đường Dương Ðông – Cửa Cạn thông xe đầu năm nay, còn lại đều chậm so tiến độ. Theo Phó trưởng Ban QLÐTPT đảo Phú Quốc Nguyễn Văn Sáu, tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn huyện đảo bảy năm qua đạt hơn 6.600 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đạt so yêu cầu đầu tư phát triển đảo Phú Quốc. Ðường vòng quanh đảo và đường trục chính bắc-nam đảo là các tuyến đường huyết mạch, trọng yếu trong phát triển đảo với tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng, nhưng đến nay, việc triển khai thi công chưa đến 50%. Tương tự, các tuyến đường nhánh nối trục đông – tây đảo hoặc đấu nối với các khu du lịch, dân cư trọng điểm trên đảo, được đầu tư từ vốn ngân sách địa phương và tiền sử dụng đất cũng triển khai rất chậm. Do thiếu vốn nên các công trình đang thi công phải giãn tiến độ thực hiện, các công trình đã phê duyệt dự án phải hoãn kế hoạch triển khai. Giải thích thêm về nguyên nhân các công trình giao thông chậm tiến độ, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang Danh Thanh Vinh cho biết: “Do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, phát sinh khối lượng không lường trước, vốn bố trí không kịp, chưa kể có nhà đầu tư yếu năng lực. Năm 2011, kế hoạch Chính phủ bố trí cho huyện Phú Quốc 338 tỷ đồng làm giao thông, nhưng đến nay mới giải ngân hơn 200 tỷ đồng. Phú Quốc hiện vẫn còn nợ các nhà thầu”.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013, Phú Quốc mới giải quyết được một phần tình trạng thiếu điện khi đưa vào khai thác đường điện cao thế cáp ngầm Hà Tiên – Phú Quốc. Và đến năm 2015, tình trạng thiếu điện, thiếu nước mới cơ bản được giải quyết. Ông Văn Hà Phong cho biết: Theo kế hoạch năm 2011, đảo Phú Quốc phải thu hút đầu tư từ 3.400 đến 4.000 tỷ đồng. Nhưng do tình hình khó khăn, việc đầu tư vào Phú Quốc rất chậm và chắc chắn không đạt kế hoạch. Bởi đầu tư trong giai đoạn này là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đền bù, giải phóng mặt bằng, bất động sản…, nhưng lãi suất ngân hàng cao nên các nhà đầu tư “kẹt” vốn. Ðó cũng là lời giải cho việc dự án đầu tư rất nhiều, nhưng những dự án triển khai thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay vì các nhà đầu tư “chờ” các công trình hạ tầng đi trước.

Thực tế cho thấy, Phú Quốc đang cần vốn và một cơ chế thông thoáng hơn nữa. Theo Ban QLÐTPT đảo Phú Quốc, từ nay đến năm 2015, cần huy động khoảng 20 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển nhằm hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế – xã hội. Tỉnh đề nghị Chính phủ bố trí khoảng 7.500 tỷ đồng để đầu tư kết cấu các công trình hạ tầng thiết yếu đã được phê duyệt. Ðối với những dự án giao thông không có nhiều nhà thầu đấu thầu hoặc những gói thầu không có nhà thầu đủ năng lực tham gia, tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định thầu. Trường hợp chưa thể bố trí vốn theo kế hoạch cần xem xét, chấp thuận chuyển đổi hình thức từ đầu tư xây dựng cơ bản bình thường sang hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT)… Tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn sàng để Phú Quốc tăng tốc trong năm 2012, năm về đích của nhiều công trình trọng điểm, làm tiền đề đảo Ngọc “cất cánh”.