Tìm logo và slogan cho du lịch Việt: Không chỉ là lời hứa!

Cuối cùng, biểu tượng ngôi sao và tiêu đề Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông đã không được lựa chọn để quảng bá cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc du lịch Việt Nam bao giờ mới có tiêu đề và biểu tượng không gây nóng ruột bằng sự ra đời của một chương trình thương hiệu tồng thể mang tính chuyên nghiệp cao.
Việc Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh không phê duyệt phương án đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác tiêu đề và biểu tượng du lịch và yêu cầu tìm phương án khác thay thế trên cơ sở kế thừa tiêu đề và biểu tượng cũ đã nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia về xúc tiến thương hiệu trong và ngoài nước cũng như những nhà chuyên môn về du lịch.
Song, nhiều chuyên gia cho rằng, điều bức thiết lúc này không phải tìm ngay phương án thay thế mà là việc xây dựng một chương trình xúc tiến thương hiệu quy mô lớn, dài hạn và chuyên nghiệp. Việc tìm ra tiêu đề và biểu tượng chỉ là giai đoạn cuối cùng của chương trình xúc tiến đó.
Đã có quá nhiều ý kiến phản đối logo hình ngôi sao 7 màu và slogan “Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông” dù đây là một phương án có hình ảnh bắt mắt, hay và dễ nhớ. Ví như màu sắc của ngôi sao gợi liên tưởng về ngựa vằn châu Phi hơn là những cánh đồng, bãi biển Việt Nam; việc sử dụng màu sắc quá nhiều trong một logo không mang tính hiệu quả; slogan bằng tiếng Anh với cách dùng từ Orient sẽ khiến người đọc nghĩ ngay đến Trung Đông và thế giới Ả Rập chứ không phải là mảnh đất hình chữ S ở Đông Dương….
Song, theo các chuyên gia thì điều cốt lõi khiến tiêu đề và biểu tượng này không nhận được sự ủng hộ cao là vì tính thiếu hiệu quả, không thể hiện được các giá trị dịch vụ của điểm đến.
Ông Đỗ Đình Cương – Giám đốc công ty chuyên về tư vấn du lịch Support Travel bày tỏ quan điểm: “Cảm nhận của tôi ở góc độ khách hàng thì không cảm thấy ấn tượng lắm và băn khoăn không biết tác giá muốn nói đến sự khác biệt Á Đông nào và thể hiện sự khác biệt đó ra sao trên thực tế để cho nó ấn tượng hơn so với các quốc gia khác cũng ở phương Đông như chúng ta. Nếu không làm được việc này trên thực tế thì những khẩu hiệu và logo đó là vô nghĩa”.
Tuy nhiên, có thể thấy được vướng mắc lớn nhất của công ty Cowan – chủ nhân của tiêu đề và biểu tượng trên – là không hiểu đề bài và cố gắng sáng tạo tên một đề bài chưa hiểu rõ.
Cũng khó cho Cowan khi mà nội dung mà ngành du lịch Việt yêu cầu tiêu đề và biểu tượng mới phải thể hiện được quá nặng, bao gồm: “các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011- 2015, với thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái và văn hóa, đối tượng thu hút chính là du khách quốc tế nghỉ dưỡng dài ngày, chi nhiều tiền”.
Ông Tim Russell – Giám đốc điều hành công ty Come&Go Việt Nam cho rằng: “Không thể có tiêu đề và biểu tượng nào có thể hàm chứa được nhiều nội dung đến thế”. Bản thân tiêu đề và biểu tượng chỉ là một lời chào, một cách gây ấn tượng, tạo cảm xúc, khiến du khách bị thu hút, hoặc mang tính gợi mở. Không một tiêu đề biểu tượng đại diện cho du lịch quốc gia nào có thể giới thiệu trọn vẹn về các sản phẩm đặc thù của quốc gia đó mà chỉ có thể biểu đạt giá trị chung nhất, nổi bật nhất của các sản phẩm dịch vụ.
“Điều quan trọng nhất là tiêu đề – biểu tượng phải giống như một lời cam kết cho chất lượng dịch vụ, giữa nó và các dịch vụ phải có sự đồng nhất về mặt nội dung. Nếu không sẽ dễ gây thất vọng cho khách du lịch, nhất là khi du lịch Việt đang đi theo một quy trình ngược: đặt ra slogan trước khi xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh”.
Thực ra, điều này đã từng xảy ra với tiêu đề cũ “Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn” Ông Đỗ Đình Cương phân tích: “Thực tế, khẩu hiệu và logo cũ khá hoàn chỉnh, chuyên nghiệp từ thiết kế cho đến thông điệp: Việt Nam là một thị trường kỳ vọng, nhiều bất ngờ, nhiều điều để khám phá.
Tuy nhiên, việc xúc tiến thương hiệu điểm đến Việt nam  từ năm 2007 đến nay mới chỉ dừng ở khẩu hiệu và logo. Chúng ta đã không có công tác chuẩn bị kỹ càng trước khi đưa ra thương hiệu mới và các hoạt động hỗ trợ sau này cũng rất hạn chế. Bản thân nhiều người trong chúng ta cũng không xác định được rõ ràng cái “đẹp tiềm ẩn” cụ thể là gì, tìm nó ở đâu và làm thế nào để giới thiệu cho du khách.
Do vậy sau hiệu quả ban đầu thương hiệu mất dần tính hấp dẫn. Nhiều du khách trở lại Việt Nam đã tỏ ra thất vọng vì những cái “mới” họ trải nghiệm không nhiều như kỳ vọng. Sản phẩm, dịch vụ và phong cách phục vụ không có gì mới. Có người còn nói đùa rằng “ Vẻ đẹp của các bạn tiềm ẩn quá kỹ và không biết bao giờ mới xuất hiện” (!).
Ông Cương cũng cho rằng: rất nhiều quốc gia láng giềng đã có những khẩu hiệu và logo thành công làm tăng sức hút du khách nhưng đồng thời cũng có nhiều quốc gia không cần đến khẩu hiệu du lịch mà vẫn hút khách, đấy là nhờ họ có một chiến lược xúc tiến thương hiệu rõ ràng với các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.
“Xây dựng thương hiệu điểm đến không chỉ là việc nghĩ ra được một khẩu hiệu hay logo hấp dẫn. Thương hiệu được xây dựng dựa trên nền tảng các hoạt động, sự kiện, sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp nhu cầu thị trường thể hiện sự khác biệt, nét đặc thù hấp dẫn của điểm đến đó mà những điểm đến khác không có. Nền tảng này phải được thể hiện trong qui hoạch phát triển du lịch của điểm đến. Nói một cách khác khi xây dựng qui hoạch người ta đã phải tính đến thương hiệu rồi”.
Chính vì thế, theo ông Cương, trước khi nghĩ đến khẩu hiệu, ngành du lịch phải tìm được giá trị chung nhất, nét riêng biệt hấp dẫn nhất cho các sản phẩm đặc thù và phát triển sản phẩm theo giá trị đó.
Còn ông Tim Russell cho rằng: “sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu có một logo và slogan tốt nhưng du khách đến Việt Nam vẫn bị taxi lừa đảo tại sân bay hay khó khăn khi xin thị thực. Nâng cao chất lượng dịch vụ mới là vấn đề bức thiết hiện nay”./.