Tùy tiện tăng giá vé vào khu du lịch Hàm Rồng (Sa Pa)

Từ ngày 1-4-2011, Công ty cổ phần Du lịch cao-su Hàm Rồng đã tăng giá vé từ 30 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng/người/lượt gây bức xúc cho khách du lịch.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Phó Tổng Giám đốc công ty này giải thích, đó là bao gồm tiền vé vào cửa khu du lịch Hàm Rồng (30 nghìn đồng) và gộp luôn cả tiền vé xem văn nghệ dân tộc (20 nghìn đồng), tổng cộng là 50 nghìn đồng, như vậy chỉ tăng 50 nghìn đồng/lượt, chứ không phải 70 nghìn đồng. Việc tăng giá vé là tạo nguồn thu, nâng thu nhập của hơn 100 cán bộ, người lao động, có như vậy mới giữ được những quản lý, nhân viên lễ tân, buồng phòng có kinh nghiệm, tay nghề cao… làm việc cho công ty. Ông Hiếu cho biết thêm: Do lương thấp nên đã có một quản lý giỏi của công ty đã bỏ sang làm việc cho một đơn vị kinh doanh khách sạn khác ở Sa Pa, với mức lương cao hơn. Mặt khác, do công ty đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên cần tiền để trang trải, và việc tăng giá vé là hoàn toàn đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, để bảo đảm đời sống người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp? 
Khu du lịch sinh thái
Hàm Rồng nằm ở trung tâm, thị trấn du lịch Sa Pa nên hầu hết du khách đến đây đều có nhu cầu tham quan Hàm Rồng, do Công ty cổ phần Du lịch cao-su Hàm Rồng quản lý.
Công ty này gồm hai cổ đông đại diện sở hữu vốn nhà nước là: Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và du lịch cao-su (65%), Công ty cổ phần du lịch dầu khí Sa Pa (30%) và một cổ đông tư nhân là Công ty xây dựng Ngọc Anh (5%). Kể từ khi công ty tăng giá vé vào cửa cao đột biến đã khiến du khách bất bình, gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh du lịch nội địa. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Môi trường Lào Cai cho biết: ‘Nhân ngày nghỉ cuối tuần, gia đình tôi cho cháu nhỏ học lớp 4 đi chơi Sa Pa. Hai vợ chồng là công nhân thu nhập thấp, giá vé vào cửa tăng cao quá, nên cả nhà đành thôi không lên Hàm Rồng nữa, chỉ chơi loanh quanh dưới phố rồi về’. Ông Tăng Văn Toản, Giám đốc Công ty Viettravel chi nhánh Lào Cai bức xúc nói: ‘Họ tăng giá vé vào cửa rất cao nhưng chất lượng bên trong không tương xứng. Mỗi khách đi tua Lào Cai – Sa Pa (hai ngày cộng một đêm) chúng tôi chỉ lãi được 60 nghìn đồng (chưa tính chi phí lương nhân viên), trong khi phải nộp 70 nghìn đồng bù giá vé vào cửa. Giá vé quá cao, buộc chúng tôi cũng phải tăng giá tua từ 1,2 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng/người mới đủ chi phí các khoản. Hầu hết du khách lên Hàm Rồng là để hưởng không khí trong lành, khám phá cảnh sắc thiên nhiên chứ ít có nhu cầu xem văn nghệ’. Mặt khác, công ty này quy định một ngày có bốn buổi biểu diễn văn nghệ vào các giờ cụ thể, nếu du khách mua vé vào cửa không khớp giờ thì coi như mất tiền oan vì không được xem, như vậy là không công bằng. Nhiều công ty du lịch cho rằng, việc tăng giá vé cao nên sản lượng khách sụt giảm.
Vì sao Công ty cổ phần Du lịch cao-su Hàm Rồng tự tăng vọt giá vé vào cửa khu du lịch Hàm Rồng, trong khi, công ty này là doanh nghiệp cổ phần do nhà nước chi phối. Trong buổi làm việc, phóng viên đã nêu câu hỏi với ông Phó Tổng Giám đốc công ty này nhưng không nhận được câu trả lời. Theo chúng tôi, lý do tăng giá để tăng lương của Công ty cổ phần du lịch cao-su Hàm Rồng là không thỏa đáng, bởi vì có nhiều đơn vị khác đang kinh doanh du lịch tại Sa Pa đã không tăng giá. Việc tăng giá vé vào cửa khu du lịch Hàm Rồng có phải là do độc quyền sở hữu khu du lịch sinh thái nằm ở vị trí đắc địa nhất Sa Pa. Ðề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, chấn chỉnh việc này để không vì lợi riêng mà gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.