Cát Bà: Chưa chắc sẽ là di sản thế giới

Như Báo GĐ&XH đã phản ánh, có thể 40 triệu m3 bùn rác từ Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ được xả vào vùng biển Cát Bà, nơi đang được chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

 

Trước thông tin này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội liên hiệp các hiệp hội UNESCO Việt Nam cho rằng các nhà quy hoạch cần có sự tính toán kỹ lưỡng.

Phải hy sinh văn hóa hoặc kinh tế

Nhắc đến vấn đề bảo vệ di sản, ông  Nguyễn  Xuân Thắng cho hay nhiều nước trên thế giới đã phải cân nhắc giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Đây là hai vấn đề nhiều khi đi ngược nhau, phát triển cái này thì phải hy sinh cái còn lại.

Ông Thắng đưa ra ví dụ về thung lũng Elbe ở Dresde (CHLB Đức). Thung lũng này là một khu đô thị tuyệt đẹp, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2004. Đến năm 2006, Đức đã bị UNESCO cảnh báo có thể gạt thung lũng khỏi danh sách di sản thế giới vì nước này dự kiến xây dựng một cây cầu để giải quyết tình trạng tắc giao thông. Cây cầu được xây dựng đồng nghĩa với việc phá vỡ không gian vốn có của Elbe. Tuy nhiên, sau một thời gian cân nhắc, Đức đã buộc phải lựa chọn giải pháp xây cầu và chấp nhận để Elbe bị gạt khỏi danh sách di sản. “Sự lựa chọn này với quốc gia là sáng suốt nhưng lại “mất mặt” với quốc tế”, ông Thắng nói.

Một trường hợp khác, cố đô Ayutthaya của Thái Lan, từng được UNESCO vinh danh một cách hào hứng. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, nơi này đã phát triển du lịch một cách thái quá khiến môi trường văn hóa cũ bị phá hỏng. UNESCO cũng đã đưa ra lời cảnh báo với di sản này. Và Thái Lan đã buộc phải trưng cầu dân ý đưa ra hai sự lựa chọn: Phát triển kinh tế bằng con đường du lịch hay bảo vệ nền tảng văn hóa vốn có? Quyết định cuối cùng là bảo vệ nền văn hóa nên địa danh này đã buộc phải giảm bớt các dịch vụ du lịch.

Được vinh danh là kèm theo nhiều nghĩa vụ

Nói về chuyện vinh danh di sản, ông Thắng nói: “Đừng nghĩ việc vinh danh là một cái gì đó ghê gớm, bởi việc vinh danh đi kèm với rất nhiều nghĩa vụ. Một di sản được thế giới công nhận đồng nghĩa với việc cộng đồng có di sản ấy phải thay mặt cho quốc tế bảo vệ di sản đó cho nhân loại. Trong khi đó, nhiều địa phương ở Việt Nam đang có kiểu “chạy đua” để kiếm bằng di sản”.

Theo ông Thắng, cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế là hai di sản đã được vinh danh, nhưng sau đó cồng chiêng đã bị nhiều người săn lùng mua bán khiến không gian cồng chiêng không còn nguyên vẹn như vốn có. Còn nhã nhạc cung đình Huế, sau khi được vinh danh đã không còn thấy những nghệ nhân già xưa kia biểu diễn, thay vào đó là những văn công trẻ. Nhã nhạc còn được đưa vào các buổi ăn uống tiệc tùng khắp nơi…

Còn với Cát Bà, ông Thắng cho rằng đây mới chỉ là bắt đầu câu chuyện. Việc đưa Cát Bà trở thành di sản thế giới mới chỉ là ý nghĩ chủ quan của một phía. “Cát Bà không có điểm nhấn đặc biệt nào. Ngay cả Phong Nha – Kẻ Bàng – một địa danh vừa được vinh danh cũng phải có yếu tố đặc biệt là có dòng sông ngầm chảy dài từ phía Lào sang mới được vinh danh. Bởi những hang động tương tự như Phong Nha thì trên thế giới nhiều vô kể. Hơn nữa, với cách làm du lịch hiện nay ở vùng đảo này thì du lịch đang “ăn tươi nuốt sống” Cát Bà. Vậy Cát Bà có thể trở thành di sản thế giới hay không? Ngay như đảo Bali xinh đẹp của Indonesia cũng từng suýt bị đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới vì du lịch phát triển quá đà, phá vỡ không gian đã từng được UNESCO công nhận”, ông Thắng nói.

Trở lại với sự lựa chọn giữa kinh tế hay di sản, ông Thắng cho rằng cả 2 cái đều không xấu. Chuyện xả bùn thải chỉ có nhà nước mới quyết định được chứ không thể nhân danh văn hóa quyết định vấn đề. Các nhà hoạch định buộc phải tính toán phương án nào mang lại hiệu quả hơn.