Nghệ An: Du lịch Cửa Lò trên hành trình chuyên nghiệp hóa

6 tháng đầu năm 2011, gần 1,2 triệu du khách đến Cửa Lò, đạt 59,2% kế hoạch năm, trong đó có 580 nghìn khách lưu trú; doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 550 tỷ đồng, đạt 63,3% kế hoạch cả năm. Riêng, lượng khách tháng 6 đạt 520 ngàn lượt, khách lưu trú 310 ngàn, doanh thu đạt 227 tỷ đồng. Trong dịp hè, công suất buồng phòng luôn đạt mức 95%. Con số này cho thấy, Cửa Lò thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách, dù trong thời điểm lạm phát tăng cao.
Lượng du khách đông đã tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho lượng lớn người lao động. Hiện, trên địa bàn thị xã có 271 ki ốt, 22 bến xe (trong đó, 6 bến xe được đầu tư xây dựng mới trong năm 2011). Trên địa bàn thị xã có 232 xe đạp đôi, 107 ô tô điện, 556 xe máy lai, 192 thợ chụp ảnh. Ngoài ra, còn nhiều người bán hàng rong, giải khát nhỏ lẻ, lực lượng lao động đánh bắt, buôn bán thủy hải sản, sản xuất hàng lưu niệm… Về hệ thống khách sạn, Cửa Lò có 222 khách sạn với 6.107 phòng, 13.191 giường. Số lao động trực tiếp phục vụ du lịch ở Cửa Lò lên tới hơn 6.200 người.
Những thành quả của du lịch Cửa Lò là kết quả của sự phấn đấu của toàn thị xã, với mục tiêu xây dựng Cửa Lò thành khu du lịch “Xanh – Sạch – Đẹp – Thân thiện – Mến khách”. Trước và trong năm du lịch 2011, Cửa Lò đã cố gắng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh, đa dạng hóa các dịch vụ, nâng cao chất lượng trong hoạt động du lịch, hạn chế những biểu hiện thiếu văn minh trong việc tiếp đón, phục vụ du khách.
 
Tuy nhiên, nhiều du khách đều có chung cảm nhận, đến Cửa Lò, có tiền cũng không biết tiêu gì. Chị Trần Thị Hải Vân, nhân viên điều hành Tổ Tư vấn du lịch Cửa Lò cho biết, hiện chỉ có dịch vụ tắm biển và thưởng thức đặc sản, các dịch vụ khác chưa phát triển. Khách chỉ đến Cửa Lò một vài ngày rồi về, ít mặn mà với các tour tuyến đi thăm quan các di tích, danh thắng trong và ngoài tỉnh. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do điều kiện thời gian, tài chính của khách, một phần do việc cung cấp thông tin, quảng bá và dịch vụ chưa tốt. Đảo Ngư là một điểm đến rất hấp dẫn nếu biết khai thác tốt, song đến nay vẫn chưa có tour ra đảo do chưa có phương tiện. Dịch vụ câu mực đêm đang ở dạng tự phát. Cửa Lò vẫn chưa có đội ngũ hướng dẫn viên phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
 
Chưa kể, nhiều du khách than phiền về việc khó khăn khi tìm các địa chỉ mua sắm. Cửa Lò có chi nhánh siêu thị Maximark và một số đại lý, chợ, song chủng loại và số lượng hàng hóa chưa phong phú. Các quầy hàng lưu niệm chủ yếu là lưu động, chủng loại hàng hóa ít, mẫu mã không có gì đặc sắc.
Mặc dù đã có quy định của UBND thị xã về việc niêm yết giá tại các cơ sở lưu trú và nhà hàng, song tình trạng nâng giá sai quy định vẫn tồn tại. Anh Nguyễn Hải Thân, lái xe ôm ở phường Nghi Thu cho biết, chỉ một số khách sạn lớn là niêm yết giá rõ ràng, cố định, còn các cơ sở lưu trú do tư nhân quản lý giá cả không cố định, họ thường nâng giá lên cao vào thời điểm khách đông, thiếu phòng. 
    
Đáng nói hơn, hầu như không có nhà hàng nào ven biển thực hiện đúng quy định niêm yết giá. Họ chỉ làm một bảng giá ghi tên các món ăn, nhưng không ghi giá. Một số ông chủ biện hộ là do giá cả thay đổi hàng ngày nên không niêm yết được. Tại thời điểm khai trương mùa du lịch Cửa Lò, 1kg ghẹ được bán với giá 600 – 700 nghìn đồng. Tình trạng người bán hàng rong, chụp ảnh chèo kéo du khách vẫn chưa giảm. 
    
Đến nay, trên địa bàn vẫn còn 150 ki ốt tạm, 302 ki ốt vỉa hè. Đường đi lối lại, vị trí tắm nước ngọt nhiều nơi vẫn còn tạm bợ. Khu vui chơi cho thiếu nhi còn chật hẹp, ít trò chơi. Hệ thống cây xanh trên địa bàn thị xã vẫn còn thưa, cây nhỏ, độ che phủ thấp. Về kiến trúc đô thị, Cửa Lò chưa có nét riêng, công trình mang dấu ấn, “thương hiệu” riêng tạo điểm nhấn, gây ấn tượng sâu sắc.
Không thể đòi hỏi quá nhiều ở một đô thị du lịch mới hơn 15 tuổi với một xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn. Nhưng, với tiềm năng và thành tựu sẵn có, hy vọng Cửa Lò sẽ có những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc hơn để trở thành đô thị du lịch lớn của cả nước.