Kế hoạch quảng bá du lịch 2011-2015 của Tổng cục du lịch

Tổng cục Du lịch Việt Nam dự kiến lần đầu tiên sẽ thuê công ty tư vấn để lên kế hoạch tiếp thị, quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết:

Sau chọn logo – slogan cho du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là “Việt Nam – sự khác biệt Á Đông” (Vietnam – a different Orient) của Công ty TNHH tư vấn thiết kế Cowan, tổng cục đang tham khảo ý kiến từ các chuyên gia du lịch, công ty du lịch, bộ ngành, các cơ quan truyền thông… về logo và slogan này. Nếu có được sự đồng thuận thì hết tháng này sẽ trình Chính phủ để dùng khẩu hiệu mới cho các hoạt động tiếp thị trong thời gian tới.

Tổng cục dự kiến sẽ thuê Công ty Cowan xây dựng chiến lược cho chương trình xúc tiến thương hiệu, điểm đến cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên một công ty tiếp thị chuyên nghiệp giúp ngành du lịch thực hiện các hoạt động phát động thị trường, quảng bá hình ảnh một cách bài bản và có hiệu quả hơn.

Năm 2011 kết thúc giai đoạn phát triển 2000-2010 của ngành du lịch Việt Nam. Ở giai đoạn kế tiếp công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thị trường nước ngoài trong thời gian tới có gì khác biệt không, thưa ông?

– Tổng cục đang xây dựng đề án xúc tiến du lịch quốc gia 2011-2015, trong đó tập trung quảng bá mạnh cho du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước. Theo đó trong năm 2011 có mấy định hướng lớn: thứ nhất, đề xuất Chính phủ tăng ngân sách cho xúc tiến năm 2011 lên 70 tỉ đồng (năm 2010 là 41 tỉ đồng). Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính trích nguồn thu từ mỗi khách du lịch quốc tế là 1 USD cho xúc tiến thì năm 2011 ngành du lịch sẽ có 5 triệu USD (hơn 100 tỉ đồng) làm xúc tiến, quảng bá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trung bình một khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 1.024 USD/khách (số liệu năm 2009). Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng mỗi 1 USD đầu tư cho xúc tiến quảng bá sẽ thu lại được 12-15 USD. 100 tỉ đồng dành cho quảng bá xúc tiến du lịch nếu so với các nước trong khu vực thì quá ít.

Kế đến tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường gần: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN. Vươn dần ra xa thu hút thị trường tiềm năng, chi tiêu cao: Tây Âu, Bắc Mỹ, Nga, Úc. Củng cố cơ quan làm xúc tiến du lịch đủ năng lực, quy mô và nâng dần tính chuyên nghiệp.

Có ý kiến cho rằng ngân sách dành cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam không thiếu, nhưng chỉ sợ phương án không hiệu quả vì từng có năm không tiêu hết được tiền dành xúc tiến quảng bá?

– Tôi có nghe ý kiến này. Đúng là có năm không tiêu được tiền vì cơ chế quá rườm rà và không giao quyền cho tổng cục. Để tiêu được tiền xúc tiến khá rườm rà: chẳng hạn với ngân sách 41 tỉ đồng trong năm 2010, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất danh mục để sử dụng nguồn tiền này, trình lên bộ chủ quản, sau đó mới chuyển sang Bộ Tài chính. Đến khi giải ngân thì tổng cục xây dựng đề cương để tiêu, dự toán chi tiết, tổng cục thẩm định, chuyển bộ chủ quản, chuyển sang Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính cấp 70% kinh phí thực hiện.

Muốn làm một sự kiện phải mất 1/3 thời gian lo tài chính và giải ngân. Nhiều khi có cơ hội để quảng bá thu hút du khách ở một thị trường nào đó hoặc nhân một sự kiện nào đó chớp thời cơ để lôi kéo du khách đến Việt Nam. Lúc này mới làm kế hoạch, chờ giải ngân thì đã qua cơ hội quảng bá và thu hút du khách quốc tế.

Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đang giải trình, thuyết phục người có trách nhiệm theo hướng phân cấp mạnh và tăng quyền hạn, chủ động cho tổng cục và các đơn vị thực hiện. Trước kia việc quảng bá, xúc tiến ở thị trường du khách Tây Âu và Trung Quốc là Vụ Lữ hành phụ trách, Vụ Thị trường phụ trách các thị trường còn lại. Tổng cục đang xây dựng đề án chuyển Vụ Thị trường thành trung tâm xúc tiến du lịch, có con dấu, tài khoản riêng, hoạt động tách biệt độc lập theo chỉ đạo của tổng cục.

Năm 2011, Tổng cục Du lịch Việt Nam kỳ vọng gì sau khi đạt con số kỷ lục 5 triệu lượt du khách nước ngoài?

– Con số này đã tăng 1,2 triệu lượt, hơn 30% so với tổng lượt khách đón được trong năm 2009. Tốc độ tăng như năm qua là tăng nóng và du lịch Việt Nam không thể nào đạt mức độ tăng như thế trong những năm tới, thậm chí chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ giảm lại. Thu hút khách cũng phải tương ứng với khả năng cung ứng dịch vụ, phát triển sản phẩm, điểm đến của du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch kỳ vọng đạt mức độ tăng trưởng trong khoảng 10-20% là phù hợp với cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp dịch vụ của du lịch Việt Nam. Mục tiêu năm 2011 của ngành du lịch là đón 5,3-5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 30 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt 110.000 tỉ đồng, chiếm 4,6% GDP.