Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

Nhiều nơi trong thành phố bắt đầu tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, lễ hội nhằm nhắc nhở mọi người “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Các khu văn hóa, du lịch, công viên và một số trường học mang tên Hùng Vương đều tham gia hoạt động giàu ý nghĩa truyền thống tốt đẹp này. Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có tác dụng vun bồi đạo đức, lối sống lành mạnh và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Tại Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức nhiều hoạt động liên tục trong 3 ngày 10, 11 và 12-4-2011, nhằm ngày mùng 8, 9 và 10 tháng 3 âm lịch dành cho đông đảo khách thập phương, CBCNV, SVHS… đến dâng hương lên Quốc Tổ và tham gia lễ hội.

Tại đây, sân chơi “Hội Làng” được mở ra để du khách tùy sở thích tham gia các nội dung thích hợp. Các bạn trẻ năng động, nhiều sức lực và trí lực có thể chơi các trò: Vua Hùng kén rể, Hái lộc Tổ, Hội thi ăn bánh chưng bánh dầy, đẩy gậy, đấu ô ăn quan… để đoạt những phần thưởng ý nghĩa của ngày hội. Với phụ nữ và nhóm khách gia đình có thể hòa mình vào không gian rộn ràng của những gánh hàng và thưởng thức những món quà quê với hương vị đậm đà, dân dã: bánh gai, bánh chưng, bắp luộc, chè hạt sen, trái cây Nam bộ… hoặc cùng nhau chọn cho mình và người thân những sản phẩm lưu niệm độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của các vùng miền tại khu làng ghề: gốm nghệ thuật Bình Dương, sản phẩm mỹ nghệ làm từ dừa của Bến Tre, các hàng may mặc từ thổ cẩm Chăm, các sản phẩm giỏ xách, giỏ đựng hoa quả, bình hộp… từ làng Cói Nga Sơn, tranh Đông Hồ, thư pháp, các phụ kiện làm đẹp, trang sức thể hiện nét đẹp cá tính được tạo ra từ vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Đến hội thi đua thuyền rồng, một sân chơi giao lưu giữa các đoàn viên ưu tú thuộc Quận đoàn quận 11 và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Qua hội thi, các đoàn viên cùng gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những bước phát triển mới trong công tác đoàn. Đây cũng là dịp để các đoàn viên thể hiện tinh thần xung kích, sức mạnh tập thể và sức trẻ của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Hội thi đã có hơn 60 đội tham dự, mỗi đội gồm 10 thành viên sẽ tham gia thi đấu vòng loại, bán kết và chung kết trên mặt hồ Đầm Sen.

Lễ giỗ Quốc Tổ được long trọng tổ chức lúc 17 giờ ngày 12-4-2011, nhằm ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại sân khấu Ngôi Sao – CVVH Đầm Sen gồm 2 phần chính: Tế văn và tế võ do Nhà giáo ưu tú Hà Quang Văn đảm trách phần tế văn và vũ đoàn Hương Sen phụ trách phần tế võ cùng hoạt cảnh sân khấu hóa. Sau nghi thức lễ giỗ Quốc Tổ là chương trình ca nhạc cải lương gồm những trích đoạn, ca cảnh chủ đề “Hướng về đất Tổ” với sự góp mặt của các nghệ sĩ: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Trinh Trinh, Chí Cường, Hồng Lan, Minh Béo, Tấn Beo, Tấn Bo…

Trong khi đó, tại Suối Tiên cũng diễn ra lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày 12-4 (mùng 10 tháng 3 Tân Mão), với phần lễ cúng tế do ban cúng tế lăng miếu núi Sam – Châu Đốc thực hiện và lễ dâng hương, dâng bánh chưng bánh dày lên Quốc Tổ. Trên 2.000 người thuộc 30 đoàn đại biểu đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam và khách mời sẽ tham gia lễ rước kiệu “Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh”, thưởng thức chương trình lễ hội đặc sắc mang tính truyền thống và những tiết mục tái hiện thời kỳ dựng nước của các triều đại vua Hùng… Đền Hùng trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc TPHCM, trong Thảo Cầm viên Sài Gòn, trong Công viên Văn hóa thành phố (Tao Đàn) và tại một số nơi khác sẽ tổ chức trang trọng nghi thức lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương và các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống rất phong phú ngợi ca công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Mỗi nơi mỗi vẻ nhưng các lễ hội đều được chuẩn bị chu đáo và thể hiện được vẻ trang nghiêm, truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc trong dịp “Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.